Hoàn Kiếm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, bền vững (19:53 29/06/2019)


HNP - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tại Đảng bộ quận Hoàn Kiếm đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững; các giá trị văn hóa lịch sử được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.

Trong 5 năm qua, quận Hoàn Kiếm đã chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn nghề nghiệp và nâng dần trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên chuẩn. Trong đó, số cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn chiếm tỉ lệ cao, vượt chỉ tiêu đã đề ra (mầm non: 78,5%, tiểu học: 100%, THCS: 87,6% so với chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2020 là mầm non: 70%, tiểu học: 100%, THCS: 84%); 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo; 39% cán bộ, giáo viên là đảng viên. Số trường đạt chuẩn Quốc gia tăng từ 11 trường lên 23 trường, đạt tỉ lệ 59%. Cùng với đó, công tác, quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được triển khai đồng bộ và có nhiều đổi mới. Trong 5 năm, toàn quận đã tổ chức điều tra trên 20.000 lượt hộ gia đình thuộc quận để đánh giá nguồn nhân lực; tổ chức điều tra nhu cầu lao động tại trên 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn quận để xây dựng, mở rộng mối quan hệ liên kết giữa đào tạo nghề gắn liền với giới thiệu, cung ứng việc làm, qua đó, đã giới thiệu việc làm cho trên 40.000 lượt người lao động trên địa bàn.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa và lĩnh vực văn hóa được chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt. Quận Hoàn Kiếm đã ban hành nhiều vãn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và các phường; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm nhất là trong lĩnh vực quảng cáo và kinh doanh nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc, karaoke, internet; hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm tệ nạn xã hội nghiêm trọng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, các hình thức, phương thức xã hội hóa hoạt động văn hóa được mở rộng. Hằng năm, bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, quận Hoàn Kiếm đã đầu tư nâng cấp, khai thác có hiệu quả các công trình văn hóa - thể thao như: Thư viện quận 42 Nhà Chung, Trung tâm văn hóa 46 Hàng Cót, Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao 225 Hồng Hà, Trung tâm Thông tin Phố cổ 28 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu vân hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ. Một số điểm vui chơi cho trẻ em ở địa bàn dân cư và trường học được đầu tư hàng tỷ đồng. Hiện nay, cấp quận có 01 thư viện, 01 khu thể thao đa năng; cấp phường có 18 thư viện, 100% các trường tiểu học, THCS, THPT có phòng thư viện và 3 thư viện cơ sở với gần 42.000 đầu sách, báo, tạp chí, trong đó, tỷ lệ các sách, tài liệu văn học nghệ thuật được lưu giữ chiếm tới từ 30% đến 40%. Thư viện quận thường xuyên phục vụ khoảng 131.610 lượt bạn đọc/năm; hằng năm, bổ sung mới 4.000 đầu sách, cấp hơn 1000 thẻ bạn đọc. Tài liệu, sách báo của các thư viện luôn được bổ sung mới bằng nguồn ngân sách và từ các nguồn tài trợ xã hội khác.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn quận được quan tâm và đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, Quận đã đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn kinh phí từ huy động xã hội hóa hơn 100 tỷ đồng cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn, trong đó, nguồn kinh phí từ huy động xã hội hóa là 12 tỷ đồng; Đã lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 5 di tích trên địa bàn quận. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã được khôi phục giá trị văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng tại địa bàn dân cư, đồng thời, góp phần bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa.

Đặc biệt, việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được quận chú trọng. Hằng năm, quận đã duy trì tổ chức 14 lễ hội văn hóa truyền thống của quận theo Đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, tổ chức giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động như: Biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, các chương trỉnh hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm phát triển du lịch, nâng giá trị và hình ảnh khu Phố cổ tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận như đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, đình Kim Ngân - 42, 44 Hàng Bạc, Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ - 28 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ - 50 Đào Duy Từ. Các hoạt động nói trên phần lớn được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa (khoảng 83%) đã góp phần giảm chi phí từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn quảng bá có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô và đất nước. Đáng nói, các hoạt động trên đều được gắn với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Khu phố cổ Hà Nội.

Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích, trường học; đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích; cải tạo sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các trường học, cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chăm lo kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa - xã hội. Song song với đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Quận đến cơ sở vê âm mưu, thủ đoạn mới trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn các văn hóa phẩm độc hại. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra cơ sở trong việc triển khai thực hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm hay, những tấm gương người tốt, việc tốt trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô, đất nước, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t