Huyện Mê Linh: Mưa lũ gây thiệt hại về tài sản khoảng 7,72 tỷ đồng (21:59 02/11/2017)


HNP - Trong nội dung Báo cáo số 32/BCH-KT ban hành ngày 30/10, UBND huyện Mê Linh đã báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội về khắc phục hậu quả thiệt hại đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12/10 trên địa bàn huyện.

Theo đó, đợt mưa lũ vừa qua, huyện Mê Linh thiệt hại khá lớn về tài sản, khoảng 7,72 tỷ đồng, trong đó: Thiệt hại về nông nghiệp khoảng 470ha, trị giá gần 6,5 tỷ đồng; thiệt hại về chăn nuôi trị giá khoảng 672 triệu đồng; thiệt hại đường giao thông khu vực bãi sông tại Tráng Việt, Văn Khê trị giá khoảng 500 triệu đồng; thiệt hại về thủy sản trị giá khoảng 67,5 triệu đồng.

Tại thôn Đẹp Thôn, xã Tráng Việt, do nước sông dâng cao nên trục đường bê tông chính của thôn giáp với lạch sông Hồng tiếp tục xảy ra hiện tượng lún sụt nền đất đường, độ sâu sụt lún từ 1 đến 1,5m, dài khoảng 100m, chỉ còn lại phần bê tông trên mặt đường. UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo, yêu cầu UBND xã Tráng Việt gia cố, bổ sung cát vào phần sụt lún, thông tin tuyên truyền để nhân dân biết phòng, tránh, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người và phương tiện qua lại, thường xuyên theo dõi, báo cáo kịp thời xử lý theo quy định.

Một số tuyến đường giao thông khu vực bãi sông cũng bị sạt lở. Hiện nay, khu vực ngoài bãi sông nước đã rút hết, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị hướng dẫn nhân dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Cơ bản người dân đã tiến hành gieo lại diện tích rau, màu đã bị ngập hỏng.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, UBND huyện Mê Linh yêu cầu các xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ mực nước trên sông Hồng, hệ thống đê điều, kè, cống đập, công trình thủy lợi, các khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất, khu vực bãi bôi nguy hiểm sau khi nước lũ rút thông tin kịp thời, cảnh báo nguy hiểm để nhân dân biết chủ động phòng tránh. Tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống đê điều, kè, cống, đập, đường giao thông, các khu vực xung yếu, công trình thủy lợi; kịp thời sửa chữa, khắc phục ngay hư hỏng do mưa, lũ gây ra đảm bảo an toàn công trình vận hành phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai.

Các ban, ngành, đoàn thể chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Huy động nhân lực, phương tiện, mọi nguồn lực địa phương tập trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra; tiêu úng, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sụt lún, sạt lở sau khi nước lũ rút đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t