Lòng nhân hậu của người dân xóm Đạo (10:01 30/08/2010)


HNP - Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Huệ , đại biểu Công giáo trong HĐND huyện Từ Liêm ở ngõ Cây Dừa, xóm đạo Cổ Nhuế không mấy khó khăn. Bước vào cổng đã thấy ngoài sân chất đầy vật liệu xây dựng, tưởng ông sửa nhà, hóa ra lại không phải: “Hàng xóm gửi nhờ”- ông Huệ giải thích, rồi chỉ sang ngôi nhà đang thi công bên cạnh. Lát lại có cô bé chạy sang “cho cháu đổ rác nhờ nhé” rồi trút xẻng rác vào thùng rác đặt trong sân.

Ông Nguyễn Văn Huệ (thứ 2 bên trái)


 Bên ấm chè, trò chuyện với ông Huệ suốt buổi sáng càng cảm nhận được bầu  không khí cởi mở, thân thiện ấy hình như lúc nào cũng ăm ắp trong căn nhà nhỏ có tới 4 thế hệ cùng sinh sống. Cụ bà thân mẫu ông Huệ đã 85 tuổi, anh con trai cả của ông cũng đã lập gia đình và sớm cho ông hai đứa cháu trai kháu khỉnh, thêm cô con gái 29 tuổi là 8 người, mà chưa khi nào hàng xóm phải nghe thấy tiếng cãi vã từ nhà ông.
Ông Huệ từng là cựu chiến binh chống Mỹ, giải ngũ năm 1973 với cơ thể đã mất đi phần lớn sức khỏe cùng di chứng chất độc da cam. Bất hạnh rơi xuống cô con gái của ông bà. Cô gái rất xinh, lại tươi tắn xởi lởi nhưng dăm bữa nửa tháng lại phát bệnh thần kinh, chân tay bị teo cơ không phát triển được.
Bản thân ông cũng đau ốm liên miên. “Cả tôi và con đều phải dựa một phần vào tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước chứ lương hưu một mình bà nhà tôi thì không lo hết được”- ông Huệ tâm sự. Hoàn cảnh thì vậy nhưng không có nhiệm vụ nào các cấp địa phương và giáo xứ giao cho mà ông từ chối.
Làm đại biểu HĐND huyện, làm Phó ban Đoàn kết công giáo Huyện ủy, Thư ký Ủy ban Đoàn kết tôn giáo Thành phố, rồi Phó ban Hội đồng Giáo xứ, việc nào ông làm cũng say sưa hết mình dẫu thường xuyên bị bà ca cẩm “ông đã yếu mà cứ ôm đồm những việc không công, không lương, không bổng”. Nói vậy, chứ bà luôn ủng hộ những việc ông làm và cũng đâm nghiện việc xã hội như ông, bởi: “Với người công giáo chúng tôi, làm công tác xã hội cũng là làm từ thiện, hướng thiện con người, giúp đỡ mọi người”.
Chính vì thế, niềm vui lớn nhất của ông Huệ không phải là những tấm giấy khen hay những trọng vọng do chính quyền và cộng đồng dành cho, mà thật giản dị là được đóng góp, chia sẻ với đồng bào khó khăn, hoạn nạn. Gia đình ông từ con đến cháu ai cũng bảo ban nhau tiết kiệm, quần áo đồ đạc cũ không bao giờ bỏ đi mà luôn tích cóp lại để có ai nghèo khổ thì mang cho.
Năm ngoái, ông cũng vận động bà con trong xứ đạo quyên góp được 50 triệu đồng mang vào tận Hương Khê, Hà Tĩnh giúp đỡ bà con vùng lũ lụt. Nhờ có những người như ông mà “con lợn nhựa bác ái” đặt tại nhà thờ Cổ Nhuế luôn chứa đầy lòng từ thiện của bà con giáo dân, để mỗi khi có ai cần giúp đỡ là sẵn sàng “mổ lợn” độ thế.
Suốt buổi nói chuyện, ông Huệ chẳng mấy khi kể cho khách về mình mà toàn việc của xứ đạo Cổ Nhuế này - nơi mà người dân sinh sống chẳng mấy khi có xung đột, tranh chấp, cũng không có trộm cướp, nghiện ngập, càng rất hiếm những gia đình tan vỡ, vợ chồng ly hôn. Cũng có lần trong xóm đạo có cô sinh viên ở trọ lỡ có thai với người yêu. Cô định bỏ đứa bé ấy đi vì sợ bố mẹ đẻ biết chuyện. Nhưng cô được cả xóm khuyên can đùm bọc. Gia đình bà chủ nhà giúp đỡ cưu mang, cho ở không mất tiền. Bà con xung quanh ai cũng động viên, an ủi, mỗi người một chút gom góp cho cô sinh nở mẹ tròn con vuông. Bà Sa, vợ ông Huệ tiếp lời trong câu trong câu chuyện của chúng tôi: “Họ đã nhầm lẫn thì mình cần quảng đại, bao dung để người ta có một con đường sống và cứu thêm một sinh linh”.
Những tấm lòng nhân ái như ông Huệ, bà Sa và những bà con giáo dân khác trong xóm đạo thật hiếm có và đáng quý biết bao!


Vũ Thanh Thế


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t