Làm giàu trên vùng đất đồi gò Ba Vì (15:05 24/12/2018)


HNP - Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của hội viên Hội Nông dân huyện Ba Vì diễn ra khá sôi nổi. Trong số hàng trăm tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến của huyện có bà Phùng Thị Thơ, ở xã Vật Lại.

Mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình bà Phùng Thị Thơ, xã Vật lại đem lại hiệu quả kinh tế cao


Sinh năm 1960, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì). Năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Phùng Thị Thơ lên đường nhập ngũ. Đến năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, bà lập gia đình sinh sống tại thôn Vật Yên bằng nghề nông nghiệp. Là nông dân thuần tuý, nguồn thu nhập chính của gia đình để nuôi 2 bố mẹ già và 3 con nhỏ ăn học chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phần lương bộ đội ít ỏi của chồng nên những năm đầu lập nghiệp kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1997, xã Vật Lại có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình phủ xanh đất trống đồi trọc, bà Thơ đã mạnh dạn động viên gia đình nhận 12ha đất đồi trọc cằn cỗi theo hình thức giao đất 50 năm của chính quyền địa phương. Có đất trong tay, cùng với nguồn vốn ít ỏi của anh em, bạn bè giúp đỡ, bà xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng trang trại vườn - ao - chuồng. Bước đầu khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như nguồn vốn có hạn, giá cả thị trường biến động không ngừng, nhiều lúc bản thân và các thành viên trong gia đình nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên, tạo điều kiện của tập thể Chi hội Nông dân thôn Vật Yên, bà được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu. Nhờ sự kiên trì, cố gắng học hỏi, khắc phục khó khăn, không ngừng tích luỹ kinh nghiệm, hoạt động sản xuất dần đi vào ổn định và cho hiệu quả. Hiện nay, mô hình trang trại của gia đình bà đã đạt quy mô trên 12ha, với 1ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; 11ha vườn trồng trên 1.000 cây dưởi Diễn, 25 vạn cây dứa và 1.000m2 chuồng trại nuôi 15 lợn nái, 100 lợn thịt và con đặc sản như: Nhím, lợn rừng, 10.000 gà thả đồi, trung bình mỗi lứa cho tổng doanh thu từ 1,8 đến 2 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt từ 500-700 triệu đồng.

Bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là hội viên Hội Nông dân, bản thân bà Thơ luôn ý thức và tích cực tham gia các cuộc vận động từ thiện nhân đạo. Đồng thời, tạo mọi điều kiện giúp bà con về vốn, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, đối với những hộ gia đình nghèo, ngoài việc vận động hội viên trong Chi hội giúp đỡ, hàng năm gia đình bà Thơ còn chủ động nhận giúp đỡ từ 5 đến 7 hộ nghèo về vốn, việc làm… để phát triển sản xuất, giải quyết lao động, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Huy Kiên cho biết, sau nhiều năm cố gắng, gia đình Phùng Thị Thơ đã được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng và vinh dự 2 lần được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen, được công nhận danh hiệu “người tốt, việc tốt” cấp thành phố. Đặc biệt năm 2017, bà Thơ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Huy Kiên, từng là một trong những xã khó khăn của huyện Ba Vì, nhờ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi như trường hợp của bà Phùng Thị Thơ, xã Vật Lại ngày càng khởi sắc. Xã Vật Lại đang tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nhân rộng các điển hình giỏi trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân địa phương...


Việt Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t