Phường múa rối nước Đào Thục: Điểm đến của khách du lịch (10:16 26/06/2018)


HNP - Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh là phường rối dân gian duy nhất trên địa bàn Thành phố phục vụ khách du lịch một cách khá chuyên nghiệp. Bất kỳ khi nào có khách yêu cầu, kể cả những đoàn khách chỉ có hai, ba người, phường rối Đào Thục vẫn phục vụ biểu diễn với cả chục tích trò. Mỗi tuần, Đào Thục thường có vài suất diễn. Phường rối cũng là điểm đến dã ngoại yêu thích của nhiều trường học thuộc TP Hà Nội. 

Những con rối của phường múa rối nước Đào Thục


Rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Ông Tổ nghề múa rối nước của làng này là Nguyễn Đăng Vinh, làm chức Nội giám thời nhà Lê. Khi làm quan trong triều, ông đã tiếp thu được nghệ thuật rối nước của phường rối biểu diễn phục vụ triều đình… Hàng năm, vào ngày 24/2 Âm lịch, dân làng vẫn làm lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của ông tổ nghề.
 
Rối Đào Thục được những người nghệ nhân trong làng làm. Các con rối thường cao khoảng 30cm - 40cm, được làm bằng gỗ và sơn một lớp bên ngoài để chống thấm nước. Mỗi con rối đều được điêu khắc theo từng hình tượng nhân vật trong những câu chuyện dân gian Việt Nam. Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục khác mọi nơi là chỉ sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa..., hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh...
 
Phường rối Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, người già nhất đã hơn 70 tuổi, người trẻ nhất vẫn đang học phổ thông, trong đó có khoảng hơn 20 nghệ nhân tham gia biểu diễn thường xuyên. Lịch diễn của phường rối Đào Thục khá đều đặn, hầu như ngày nào cũng có ít nhất 1 suất diễn. Đặc biệt, từ mùng 2 Tết âm lịch là phường rối bận rộn hơn với lịch diễn dày đặc phục vụ bà con và du khách gần xa. Đây chính là một động lực để phường thu hút được nhiều thanh niên trẻ trong làng theo nghề, yêu và gắn bó với nghề của cha ông.
 
Bước đột phá của phường rối nước Đào Thục bắt đầu hơn mười năm về trước. Đầu năm 2000, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày một đông hơn. Rối nước là đặc sản văn hóa Việt Nam, một số bạn trẻ làng Đào Thục đã đề xuất ý tưởng với các nghệ nhân cao tuổi. Lúc đầu, việc thuyết phục cũng không mấy dễ dàng, bởi các cụ cho rằng anh chưa "đủ tuổi" để tham gia bàn bạc; sau nhiều lần thuyết phục, cam kết, các cụ mới đồng ý. Anh Nguyễn Thế Nghị, Trưởng đoàn Múa rối nước Đào Thục cho biết: Khi chủ trương được thông qua, anh cùng mấy bạn trẻ trong làng in tờ rơi, rồi tìm các công ty du lịch chào hàng. Khi chào hàng sản phẩm du lịch, nhiều doanh nghiệp không dám chắc có tổ chức được không. Mà họ cũng không có điều kiện đi khảo sát. Phía chính quyền thì chưa ai nghĩ đến làm một sản phẩm du lịch là biểu diễn rối nước ở làng. Nhiều chuyến đi không kết quả, song, với quyết tâm cao, sự kiên trì cộng với những kinh nghiệm, anh Nguyễn Thế Nghị cùng một bạn trẻ khác lập trang web riêng quảng bá rối nước Đào Thục (sau này, phường rối sử dụng mạng xã hội thay cho trang web để tiết kiệm chi phí)… Đến khi phường rối Đào Thục có khách du lịch tìm đến, được biết đến rộng rãi, các nghệ nhân bắt đầu tin vào lớp trẻ. 
 
Những năm trở lại đây, phường rối Đào Thục đã mở rộng liên kết với nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa... và đưa du khách về làng xem biểu diễn rối nước để khám phá về trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc này. Đến đây, khách du lịch được tham quan buồng trò, tập điều khiển quân rối, trải nghiệm hoạt động làm quân rối, mua đồ lưu niệm là những quân rối gỗ, gốc tre được điêu khắc nghệ thuật. Thụy Lâm có giống nếp cái hoa vàng trứ danh. Cùng với gạo nếp cái hoa vàng, Đào Thục còn có thêm sản phẩm nấu từ giống nếp này để làm quà cho khách du lịch. 
 
Để tiếp cận phát triển phường rối nước Đào Thục tốt hơn, Ban lãnh đạo phường hiện nay và chính quyền đang vào cuộc mạnh mẽ. Sắp tới, phường múa rối nước Đào Thục sẽ chiêu mộ nhân tài tuyển dụng, đào tạo các thế hệ trẻ có trình độ, năng lực, để vào đóng góp tham gia vào hoạt động của phường rối. Nghệ nhân phường múa hy vọng rằng, trong thời gian tới, với đội ngũ trẻ năng động việc tiếp cận với công nghệ thông tin hoặc là làm công tác marketing quảng bá ngày càng tốt hơn.
 
Có thể nói, với bề dày lịch sử gần 300 năm tuổi, phường múa rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội chẳng những là địa chỉ du lịch độc đáo, mà còn là nơi lưu giữ bề dày văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t