Hà Nội: 5 năm, kiểm tra 520.506 lượt cơ sở về an toàn thực phẩm (15:13 15/09/2020)


HNP - Ngày 14/9, UBND thành phố Hà Nội có Báo cáo số 260/BC-UBND, về đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố.

Trong 5 năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” và đạt những kết quả rõ nét. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành chủ động phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, báo, đài đã đưa tin 22.523 tin/bài/ảnh trên báo, đài, tạp chí, website ngành. Phổ biến kiến thức về ATTP cho cán bộ Ban Chỉ đạo và mạng lưới ATTP với 2.432 buổi/131.943 người; phổ biến kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm 6.078 buổi/314.347 người... Thông qua tuyên truyền, từ năm 2016 đến năm 2020, kiến thức, thái độ, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người chế biến kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm tăng hơn so với năm trước: Tỷ lệ lần lượt theo từng đối tượng như trên năm 2016 là 89,2%, 80,3%, 79%, năm 2020 là 92,5%, 82,3%, 82,3%.


Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, phạt tiền 31.065 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 134,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh vật tại Labo đạt 16.783/17.780 mẫu (94,3%); xét nghiệm nhanh đạt 877.236/937.762 mẫu (93,5%)… Từ năm 2016 đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm và không có tử vong; tổng số trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 371 người mắc. Ngoài ra, có 3 vụ ngộ độc Methanol với 56 người mắc...

 
Phát huy kết quả đạt được, UBND thành phố cũng đã đề ra phương hướng triển khai phong trào thi đua “an toàn thực phẩm” giai đoạn 2021-2026 gồm 7 nội dung, như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, chú trọng thanh kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP. Đẩy mạnh tiến độ thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn…
 
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo, đài với cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác ATTP; kịp thời phản ánh tình hình thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước; thông tin nhận biết thực phẩm an toàn, quy trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn, các điểm bán hàng an toàn để người dân biết, vận dụng trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời thông tin các địa chỉ các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến vi phạm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, phòng tránh cũng như giám sát.
 
Đặc biệt là tuyên truyền gương các đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; đồng thời, có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t