Tự chủ bệnh viện:


Bài 1: Những kết quả tích cực cần nhân rộng (08:30 25/08/2019)


HNP - Hà Nội là một trong những địa phương sớm triển khai và đi đầu trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện thuộc Thành phố. Kết quả cho thấy, thực hiện tự chủ không những nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, mà còn giúp các bệnh viện chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức, trách nhiệm phục vụ cũng như thu nhập của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ có chuyển biến tích cực.

Khám chữa cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội


Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
 
Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong 2 cơ sở y tế đầu tiên của Thành phố (cùng với Bệnh viện Hòe Nhai) thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
 
Theo Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, xuất phát từ cơ chế tự chủ, Bệnh viên Tim Hà Nội đã đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, từ mô hình bệnh viện là trung tâm sang người bệnh là trung tâm; từ cung cấp những dịch vụ mà mình có sang cung cấp những dịch vụ mà người bệnh cần. Cũng chính từ tư duy đứng trên quan điểm của người bệnh để phục vụ, Bệnh viên đã thiết kế lại quy trình khám chữa bệnh, hạn chế bớt các thủ tục không cần thiết và các “nút cổ chai”, đồng thời, sáp nhập những đơn vị có liên quan, tạo ra những vị trí “một cửa” được vận hành bởi những người có năng lực và được đào tạo đa kỹ năng.
 
Bệnh viện Tim Hà Nội cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ dựa trên 3 trụ cột chính là kỹ năng, trí tuệ và sự nhiệt tình, tâm huyết. Môi trường làm việc hướng tới tạo thuận lợi để đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên phát huy tốt nhất năng lực, sở trường; bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn, gắn với đánh giá thành tích, bổ nhiệm khoa học, đúng người, đúng việc. Từ năm 2004, khi mới đi vào hoạt động, Bệnh viện Tim Hà Nội có 101 cán bộ, y bác sỹ, đến năm 2018 tăng lên 663 người. 
 
Đáng chú ý, từ năm 2017 Bệnh viện được Thành phố giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, số cán bộ, y bác sỹ, đến nay không có biến động lớn về số lượng, nhưng có sự chuyển dịch rõ nét về chất lượng. Nguồn nhân lực của bệnh viện được nâng cao hơn, số y bác sỹ được đào tạo sau đại học, cử đi đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật ở trong và ngoài nước tăng lên so với các năm trước. Hiện nay, Bệnh viện có 1 Giáo sư, Tiến sỹ y học; 1 Phó giáo sư, Tiến sỹ; 10 Tiến sỹ, 2 bác sỹ chuyên khoa II; 71 Thạc sỹ y học, 41 bác sỹ nội trú...
 
Sau 15 năm thực hiện cơ chế tự chủ, chất lượng hoạt động của Bệnh viện Tim Hà Nội đã nâng lên về mọi mặt. Tổng số lượt khám chữa bệnh tăng từ 7.005 lượt người (năm 2004) lên 345.575 lượt người (năm 2018), trong đó, tổng số lượt khám chữa bệnh của bệnh nhân ngoại tỉnh từ 2.969 lượt người (năm 2004) lên 70.219 lượt người (năm 2018); số bệnh nhân được can thiệp tim mạch cũng tăng nhanh qua các năm, từ 504 ca (năm 2009) lên 8.247 ca (năm 2018). Nguồn thu từ dịch vụ y tế của Bệnh viện tăng từ 22,5 tỷ đồng (năm 2005) lên 1.139 tỷ đồng (năm 2018), gấp 50,6 lần; giá trị tài sản ban đầu từ 50 tỷ đồng (năm 2005) lên 277 tỷ đồng (năm 2018), gấp 5,5 lần; nguồn nhân lực tăng 6,6 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 18,1 lần (từ 1,34 triệu đồng/người/tháng vào năm 2005 lên 24,3 triệu đồng/người/tháng vào năm 2018). Đáng chú ý, Bệnh viện cũng nộp ngân sách Nhà nước tăng dần qua các năm, từ 4,6 tỷ đồng (năm 2005) lên 14,7 tỷ đồng (năm 2018).
 
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tim Hà Nội còn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đầu tư cho phát triển chuyên môn, kỹ thuật mới, hiện đại. Từ 9 khoa, phòng lúc mới thành lập, đến nay, Bệnh viện phát triển lên 37 khoa, phòng, 5 trung tâm với 5 mũi nhọn chuyên môn là phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô, Bệnh viện Tim Hà Nội còn tích cực chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện trên khắp cả nước.
 
Tiến tới tự chủ toàn bộ hoạt động
 
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, từ kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Hòe Nhai, Thành phố đã từng bước nhân rộng ra các bệnh viện trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2013-2016, ngoài 2 bệnh viên nêu trên, có thêm 34 bệnh viện tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên. Năm 2017, Thành phố tiếp tục nâng mức tự đảm bảo chi thường xuyên đối với 5/41 bệnh viện; 31/41 bệnh viên tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Đến năm 2018, đã có 18/41 bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên, số bệnh viện tự chủ một phần chi thường xuyên là 19/41 bệnh viện. Giai đoạn 2019-2020, Thành phố sẽ nâng mức tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đối với 2 bệnh viện (Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Hòe Nhai); nâng mức tự đảm bảo chi thường xuyên đối với 35 bệnh viện và hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công.
 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, trong những năm qua, cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn Thành phố được đổi mới theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; các đơn vị được vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết đầu tư để cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị và phát triển chuyên môn, kỹ thuật; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, gắn với công khai, minh bạch trong hoạt động...
 
Cụ thể, các bệnh viện đã được chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo trong quyết định các biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chất lượng khám chữa bệnh, phong cách và thái độ phục vụ người dân có chuyển biến căn bản; tỷ lệ hài lòng của người bệnh được tăng lên. Các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được các bệnh viện áp dụng, thực hiện tại các tuyến để phục vụ người dân; 100% các bệnh viện của Thành phố đã áp dụng phẫu thuật nội soi; nhiều chuyên khoa đầu ngành phát triển mạnh, tương đương các bệnh viện tuyến Trung ương như tim mạch, ung bướu, ngoại khoa, sản phụ khoa...
 
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị thực hiện tự chủ còn triển khai các dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, quản lý chặt chẽ các nguồn thu từ dịch vụ ngoài y tế như căng tin, nhà thuốc, trông giữ xe; tham gia cung ứng các dịch vụ ngoài đơn vị để tăng nguồn thu. Các đơn vị cũng chủ động phân bổ tài chính trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả; tăng nguồn thu gắn với tiết kiệm chi nên thu nhập của người lao động được cải thiện rõ nét; việc phân phối thu nhập cũng dựa trên hiệu quả, chất lượng công việc.
 
Đặc biệt, các đơn vị thực hiện tự chủ đã sắp xếp phòng, khoa theo hướng tinh gọn, hiệu quả; giảm số cán bộ gián tiếp để tăng cho đội ngũ trực tiếp làm công tác khám, chữa bệnh... Tính đến nay, các đơn vị thực hiện tự chủ đã giảm được 8.235 cán bộ, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t