Hiệu quả công tác quản lý sau cai ở Hà Nội (12:35 22/01/2019)


HNP - Trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã duy trì nhiều mô hình cai nghiện thành công. Các gương cai nghiện ma túy điển hình được phát hiện, tuyên truyền nhằm phổ biến, nhân rộng trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, những năm gần đây, TP Hà Nội đã dành sự quan tâm, đầu tư tương đối đầy đủ, toàn diện đến công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng.

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện hỗ trợ người nghiện đi cai nghiện tự nguyện tới 65% chi phí bắt buộc. Trước khi Nhà nước đưa ra chính sách này, Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người cho các cơ sở cai nghiện. Tổng số người được cai nghiện tại gia đình cộng đồng là 1.076 người, trong đó, cai nghiện tự nguyện tại gia đình 757 người; Cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 261 người; Cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng 58 người; Số người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 856 người.

Đặc biệt, hàng tháng, trước khi học viên hết hạn ít nhất 45 ngày các đội quản lý học viên tại các Cơ sở cai nghiện tổ chức cho học viên viết kiểm điểm quá trình học tập, rèn luyện, phiếu đánh giá nhận xét quá trình cai nghiện tại Cơ sở; Phòng Y tế phục hồi sức khỏe cung cấp đầy đủ hồ sơ về sức khỏe của học viên, hồ sơ gồm có: Danh sách, tình trạng sức khỏe, báo cáo tình trạng sức khỏe; Tổ hồ sơ thuộc phòng Giáo dục hòa nhập cộng đông tổ chức lập danh sách, gửi thông báo học viên hết hạn cho các xã, phường, thị trấn và gửi giấy mời gia đình học viên lên Cơ sở để họp. Sau khi gửi giấy mời họp về gia đình học viên, các đơn vị đều đã tổ chức cho học viên gọi điện về cho gia đình để xác nhận gia đình đã nhận được giấy mời, thông báo của Cơ sở. Tại cuộc họp ở Cơ sở, tất cả các gia đình học viên đều được cung cấp các biểu mẫu xác nhận về tình trạng nghề nghiệp, việc làm, nơi cư trú, giải đáp các thắc mắc về hồ sơ về các văn bản pháp luật và thông báo hạn thời gian nộp các biểu mẫu, các tài liệu chứng minh của gia đình học viên cho Cơ sở.

Bên cạnh đó, việc quản lý người sau cai nghiện ma túy được tính kể từ khi lập hồ sơ quản lý cho đến thời điểm kết thúc việc đánh giá để đưa người nghiện ra khỏi điện quản lý. Hàng tháng, quý, người được phân công quản lý, giúp đỡ hướng dẫn người sau cai viết kiểm điểm về kết quả rèn luyện của bản thân trong quá trình sinh sống tại cộng đồng mỗi tháng 01 lần. Đối với người được phân công quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện thì hàng tháng, quý cũng đều phải viết báo cáo, nhận xét về kết quả quản lý, giúp đỡ họ. Bên cạnh đó, hàng tháng, quý các đối tượng này đều phải được xét nghiệm tìm chất ma túy định kỳ và đột xuất để làm căn cứ đánh giá đưa ra khỏi danh sách quản lý người nghiện của địa phương khi hết thời gian quản lý sau cai nghiện. Kết quả từ năm 2015 đến nay, số người đã hoàn thành thời gian quản lý sau cai, được cấp giấy chứng nhận và đưa ra khỏi danh sách quản lý người nghiện của địa phương là 2.788 người. Việc hỗ trợ dạy nghề cho người sau cai nghiện ở các địa phương chưa được quan tâm, cơ sở vật chất của các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác dạy nghề trong 4 năm qua các, quận, huyện, thị xã toàn Thành phố mới chỉ tổ chức hỗ trợ dạy nghề cho 165 người sau cai nghiện tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng và tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm được 1.826 lượt người.

Ngoài các mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy thì thành phố Hà Nội còn triển khai mô hình cai nghiện ma túy tự nguyện có hỗ trợ kinh phí tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đối với người nghiện có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội, cụ thể như tiền ăn 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: 0,3 lần mức lương cơ sở/người/6 tháng. Tiền thuốc cắt cơn và chữa bệnh thông thường, xét nghiệm phát hiện chất ma túy 450.000 đồng/người/6 tháng. Tiền điện, nước sinh hoạt: 70.000 đồng/người/tháng. Tiền hoạt động văn hóa, thể thao 10.000 đồng/người/tháng. Người nghiện ma túy thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người chưa thành niên; người nhiễm HIV/AIDS được xét miễn 100% kinh phí gia đình đóng góp và được giảm 50% kinh phí đóng góp đối với người nghiện ma túy thuộc gia đình là hộ cận nghèo. Số người cai nghiện tự nguyện được hỗ trợ kinh phí từ năm 2015 đến hết tháng hết năm 2018 là 7.798 lượt người.

Bên cạnh những kết quả trên vẫn còn một số tồn tại như một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thường xuyên quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Các Tổ công tác cai nghiện ma túy ở các địa phương tuy đã được thành lập nhưng hoạt động còn kém hiệu quả, chủ yếu còn phụ thuộc vào lực lượng Công an. Một số địa phương có thành lập Tổ công tác nhưng không hoạt động. Thành viên của tổ công tác luôn thay đổi và chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên hầu như không bố trí thời gian triển khai các hoạt động chuyên môn, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện. Chính sách hỗ trợ chưa phù hợp: Các chế độ hỗ trợ chi phí cho cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hạn chế mới chỉ đáp ứng một phần giai đoạn cắt cơn, giải độc và giới hạn trong diện gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo nên ít người được hỗ trợ nên không khuyến khích được người nghiện tham gia.

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác cai nghiện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao, các địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội cần triển khai thực hiện các mô hình thí điểm hỗ trợ đảm bảo quyển của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; cung cấp điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; khuyến khích cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình cộng đồng, lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc, tăng cường điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; nâng cao năng lực, kỹ năng về tư vấn cai nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy. Đồng thời, kiến nghị với các cấp, các ngành ban hành chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Hỗ trợ kinh phí cho công tác cắt cơn tại các xã, phường, thị trấn có Điểm tư vấn điều trị nghiện ma túy. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia công tác điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức kinh tế xã hội tham gia tiếp nhận và tạo việc làm cho người sau cai nghiện; Tăng cường cơ chế lồng ghép các chương trình an sinh xã hội với các chương trình khác để tạo điều kiện giúp đỡ người sau cai nghiện có việc làm ổn định đời sống.


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t