Khảo sát, lấy ý kiến vào 3 đề án do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì (14:36 29/05/2024)


HNP - Sáng 29/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến về các đề án của Trung ương do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị


Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội Chính thành ủy Nguyễn Quang Đức; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, Hội nghị nhằm phục vụ việc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng các Đề án được giao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
 
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương nghiên cứu, xây dựng 3 đề án. Trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương thứ 4 mà đoàn tiến hành khảo sát, gồm: Quảng Ninh, Kiên Giang, Đà Nẵng.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 19/1/2023 để triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó nhấn mạnh đến 4 mục đích, yêu cầu; 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 7 nội dung phân công, nhiệm vụ. 
 
Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị của Thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chương trình hành động số 18-CTr/TU. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, góp phần cùng cả nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
 
Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục với các hình thức đa dạng, thiết thực. Tăng cường tổng kết, nghiên cứu thực tiễn để đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quán triệt sâu sắc việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị; được tiến hành đồng bộ với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 
 
Đặc biệt là phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, đề cao đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. 
 
Tiếp tục xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô; nghiên cứu đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các nhà trường trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố trong thực thi Hiến pháp, pháp luật. Cụ thể hóa theo thẩm quyền các cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. 
 
Cùng với đó, quan tâm việc tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp thành phố; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
 
Đối với 3 đề án khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cơ quan, đơn vị của Thành phố, trên cơ sở nội dung báo cáo cần nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, cung cấp thông tin từ thực tiễn, thực hiện việc khảo sát, đánh giá đảm bảo tính trung thực, khách quan. Trong đó, tập trung vào một số nội dung khảo sát cũng như các nội dung lớn của Đề án cần xin ý kiến như phạm vi nghiên cứu đề án, cơ chế khởi kiện, cơ chế kiểm soát, lộ trình thực hiện...
 
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức phát biểu ý kiến
 
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất những kiến nghị gắn với thực tiễn tại Hà Nội liên quan đến nội dung các đề án. Trong đó, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng như cần đóng góp các ý kiến, kinh nghiệm thực tế của các đơn vị đối với 3 Đề án lấy ý kiến tại hội nghị này. Góp ý trực tiếp vào các nội dung cụ thể của từng đề án, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên lưu ý việc ban hành các văn bản liên quan để triển khai thực hiện trên thực tế sao cho hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
 
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng phát biểu
 
Kết thúc buổi khảo sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cảm ơn những ý kiến đóng góp khách quan, sâu sắc và hiệu quả của các đại biểu trong triển khai xây dựng các đề án. Theo đồng chí, đây là căn cứ để Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có những điều chỉnh, bổ sung nội dung các đề án một cách hợp lý, đầy đủ và bám sát thực tiễn, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t