Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên (19:21 07/05/2020)


HNP - Chiều 7/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cùng chủ trì hội nghị khảo sát của Trung ương Đoàn tại thành phố Hà Nội, đánh giá kết quả 10 năm Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh các cấp thực hiện Quy chế cán bộ đoàn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị


Cùng tham gia buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo một số ban, ngành và Thành đoàn Hà Nội.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, sau 10 năm thực hiện Quyết định 289-QĐ/TW, ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Quy chế cán bộ Đoàn, nhìn chung, Quy chế đã có tác động tích cực đến tổ chức và đội ngũ cán bộ đoàn hiện nay, tạo thuận lợi cho công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ đoàn trong thời gian qua. 
 
Cụ thể, Quy chế đã quy định rõ hơn các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, độ tuổi của cán bộ đoàn các cấp, đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp trong công tác cán bộ đoàn của cấp ủy và Ban Thường vụ Đoàn các cấp tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Sau khi triển khai thực hiện Quy chế, độ tuổi cán bộ đoàn được trẻ hóa, sát với độ tuổi thanh niên. Số cán bộ đoàn được đào tạo về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị ngày càng nhiều, phù hợp và đáp ứng với đặc thù công tác thanh niên. Công tác đào tạo, sử dụng và luân chuyển cán bộ đoàn thuận lợi hơn. Đội ngũ cán bộ đoàn trong cả hệ thống thường xuyên được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Hiện nay, Bí thư Thành đoàn Hà Nội là Thành ủy viên; 17/30 Bí thư đoàn các quận, huyện, thị ủy tham gia ban chấp hành đảng bộ cùng cấp; 8/30 đồng chí là đại biểu HĐND...
 
Cùng với đó, công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch cán bộ được quan tâm, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Thành ủy Hà Nội. Các bước quy trình rà soát, giới thiệu bổ sung nguồn nhân sự quy hoạch được tiến hành bảo đảm mở rộng dân chủ, khách quan. Trong 10 năm qua, Thành đoàn đã tuyển dụng đặc cách công chức đối với 09 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện về công tác tại Thành đoàn Hà Nội.
 
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội cũng nêu rõ, việc thực hiện Quy chế cán bộ đoàn ở cấp cơ sở còn chưa đồng bộ, thống nhất và còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều cán bộ đoàn chuyên trách, nhất là những cán bộ không giữ chức danh chủ chốt (từ cấp huyện trở lên) và những cán bộ là bí thư đoàn xã, phường, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác và hết tuổi theo quy định, nhưng chậm được bố trí công tác khác, hoặc việc bố trí công tác khác gặp nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch cán bộ cấp cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn do sự biến động thường xuyên của đoàn viên và cán bộ đoàn. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn và tạo nguồn quy hoạch cán bộ đoàn cho cơ sở thiếu, chất lượng chưa cao...
 
Trước tình hình đó, Thành đoàn Hà Nội đề nghị Thành ủy tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về công tác tuyển dụng cán bộ đoàn; chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ đoàn đã hết tuổi theo Quy chế cán bộ Đoàn. Quan tâm, nghiên cứu chế độ chính sách cán bộ đoàn ở cấp chi đoàn, đoàn cơ sở để tạo thuận lợi cho việc thu hút cán bộ đoàn; quan tâm tạo điều kiện mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành riêng cho cán bộ đoàn...
 
Theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Cảnh, việc tuyển dụng cán bộ đoàn hiện nay còn bất cập, vẫn tổ chức các kỳ thi chung nên chưa chọn được những cán bộ có tố chất, kỹ năng hoạt động đoàn. Do vậy, Trung ương Đoàn cần kiến nghị để có cơ chế đặc thù trong thi tuyển, xét tuyển đối với cán bộ đoàn. Còn theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Thành đoàn cần quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ đoàn ở cơ sở, lựa chọn cán bộ có chất lượng, khát vọng phấn đấu...
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, việc thực hiện Quyết định 289-QĐ/TW trong 10 năm qua trên địa bàn Thủ đô đã đi vào cuộc sống, đạt được những hiệu quả cao trong thực tiễn. Qua công tác đoàn, đội, hội, nhiều cán bộ đã trưởng thành và được tín nhiệm vào các chức danh lãnh đạo của quận, huyện và Thành phố.
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đoàn hoạt động, bởi công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ của Đoàn Thanh niên nói riêng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Từ công tác tuyển dụng, quy hoạch tới đánh giá cán bộ đều được thực hiện đa chiều, sát thực tế từ đó luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và ra quyết định khen thưởng, kỷ luật rất sát với thực tế”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu.
 
Thống nhất với những hạn chế được nêu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các ban, ngành chức năng rà soát đánh giá những ưu điểm, hạn chế, từ đó tổng kết quá trình thực hiện. Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề xuất Trung ương Đoàn đề xuất Ban Bí thư bổ sung những quy định phù hợp với thực tiễn. Đồng chí cũng mong muốn, thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban Bí thư và Trung ương Đoàn trong việc thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn trên địa bàn Thành phố.
 
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị
 
Kết thúc hội nghị, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đánh giá: Hà Nội đã chủ động triển khai Quyết định 289-QĐ/TW và đạt được những kết quả tích cực. “Thành đoàn Hà Nội đã cố gắng đào tạo bồi dưỡng cán bộ đoàn; tận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Thành ủy để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đoàn. Nhiều cán bộ đoàn đã trưởng thành từ cơ sở và được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng”, đồng chí nhấn mạnh.
 
Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị, thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội cần chủ động tham mưu về công tác cán bộ, vận dụng hiệu quả cơ chế tạo điều kiện của Thành ủy, cùng cấp ủy cơ sở giải quyết hiệu quả chính sách cán bộ đoàn. Đồng chí cũng mong muốn Thành đoàn tăng cường cơ chế giám sát, đề xuất các cơ chế phù hợp với cơ sở thực tiễn để đề xuất những chính sách phù hợp cho từng cấp bộ Đoàn.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t