Hoài Đức: Gần 90% người lao động có thu nhập ổn định sau đào tạo nghề (10:43 19/12/2017)


HNP - Những năm gần đây, nhu cầu mở rộng không gian đô thị và phát triển công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải ngày càng lớn, nên quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức đang dần bị thu hẹp, do đó, số lao động dôi dư là rất lớn. Nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, Hoài Đức đã quan tâm đến công tác đào tạo, hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. Sau khi được học nghề, nhiều hộ gia đình đã vượt quá khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức


Vượt khó từ chuyển đổi nghề
 
Xã Di Trạch, huyện Hoài Đức có tới 80% diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi, nhưng đời sống của người dân nơi đây tương đối ổn định và phát triển nhờ được học nghề và hướng dẫn đào tạo nghề phù hợp như trồng cây ăn quả, cây cảnh.
 
Gia đình chị Vương Thị Thảo là một trong những hộ tiêu biểu của xã Di Trạch phát triển kinh tế nhờ trồng cây ăn quả. Chị cho biết: trước đây, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, công việc bấp bênh không ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2014, khi tham gia lớp hướng dẫn đào tạo nghề trong đó có nghề trồng cây ăn quả thì gia đình chị đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích canh tác. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình chị đã trồng được hơn 1.000 gốc ổi, táo và đu đủ cho thu nhập trung bình hằng năm (trừ chi phí) được từ 400 - 500 triệu đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Di Trạch, huyện Hoài Đức cho biết: những năm qua, Hội nông dân huyện thường xuyên phối hợp với trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức những lớp học nghề cho hội viên để mở những lớp trồng cây ăn quả, trồng rau. Ngoài ra, Hội Nông dân xã Di Trạch cũng tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông huyện hàng năm tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hội viên để các hội viên áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình mình. Đến nay, 100% hộ nông dân trên địa bàn xã đều chuyển sang trồng ổi, táo, đu đủ, nhãn cho hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa. Hiện, xã Di Trạch, hộ ít cũng trồng 1 mẫu, nhiều nhất lên tới 7 mẫu cây ăn quả, cho thu nhập trung bình 20 triệu đồng/sào/năm sau khi đã trừ chi phí.
 
Là học viên tiêu biểu của xã Lại Yên, năm 2016, ông Nguyễn Mạnh Chánh đã áp dụng những kỹ thuật trong chăn nuôi vào việc phát triển kinh tế gia đình mình. Sau khi được học nghề, ông đã tận dụng quỹ đất vườn của gia đình và thuê thêm đất mở rộng diện tích để chăn nuôi lợn và thả cả theo mô hình vườn - ao - chuồng khép kín. Với cách làm này đã giúp ông cùng gia đình có thu nhập ổn định, vượt khó vươn lên làm giàu.
 
Gần 90% người lao động có thu nhập ổn định sau đào tạo
 
Theo ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo 1956 huyện: từ năm 2005 đến nay, huyện Hoài Đức có gần 2.000ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho đầu tư, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ đó, dẫn đến số lượng lao động nông thôn dôi dư rất lớn. Là huyện phát triển lại gần trung tâm Thủ đô, để đáp ứng được với nhu cầu thực tế, đòi hỏi người lao động phải có trình độ, tay nghề nhất định. Vì vậy, huyện ủy, HĐND, UBND huyện rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. Do đó, từ năm 2005, dù chưa có đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Hoài Đức đã thành lập trung tâm dạy nghề hỗ trợ bà con chuyển đổi công việc sau khi bị thu hồi đất.
 
Khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1956 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, huyện Hoài Đức xây dựng Đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, xây dựng kế hoạch dạy nghề, giải quyết việc làm từng năm, giao chỉ tiêu tới UBND các xã, thị trấn. Từ năm 2011 - 2016, huyện Hoài Đức đã đào tạo được 120 lớp cho 3.623 lao động nông thôn. Đáng chú ý, sau đào tạo nghề, 89,1% người lao động có việc làm, có thu nhập ổn định và làm đúng với ngành nghề được đào tạo.
 
Bên cạnh đó, Hoài Đức cùng là huyện có nhiều làng nghề, với tổng số 52/53 làng có nghề. Mỗi làng lại có một nghề khác nhau, nhưng huyện cố gắng theo sát tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với bà con địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp cho lao động nông thôn ở những xã bị thu hồi đất. Từ khi có các lớp đào tạo nghề, người dân các làng được hỗ trợ đã tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập tốt, nhiều hộ doanh thu lên tới 400 - 500 triệu đồng năm. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt trên 30 triệu đồng.
 
Hiện nay, huyện Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 1956 cho gần 1.500 người. Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tích cực thì bên cạnh việc làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học nghề, huyện sẽ tập trung cùng các địa phương và các sở ngành chức năng thực hiện đào tạo nghề gắn với thực hành. Có thể thấy, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và những cách làm sáng tạo của huyện Hoài Đức, người lao động trên địa bàn bị thu hồi đất nông nghiệp đã, đang và sẽ có cuộc sống ổn định, phát triển hơn.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t