Quận Long Biên: 3 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp (08:45 06/01/2017)


HNP - Quận Long Biên có diện tích đất tự nhiên 6.038ha, trong đó, đất nông nghiệp hiện còn 1.236ha, gồm 594,0ha đất trong đồng và 642,0ha đất ngoài bãi. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND, giai đoạn 2013-2016, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận Long Biên đã đạt được nhiều kết quả, đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, cho năng suất, hiệu quả cao.

Với thuận lợi là được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo quận và cả hệ thống chính trị; có vị trí thuận lợi và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, quận Long Biên lại phải đối mặt mới một số khó khăn, thách thức không nhỏ. Là quận mới, lại đang trong quá trình đô thị hóa nhanh do đó, hạ tầng sản xuất nông nghiệp của quận bị ảnh hưởng, người dân còn có ý thức giữ đồng ruộng không đồng thuận với việc dồn đổi ruộng để chuyên đổi cây trồng. Thêm vào đó, đất giao cho các hộ theo Nghị định 64/NĐ-CP nhỏ lẻ, manh mún không thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất lớn, tập trung. Đây là những khó khăn khi triển khai những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND, giai đoạn 2013-2016, quận Long Biên đã tập trung xây dựng, phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định để hình thành các vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao tại vùng bãi phường Cự Khối, Phúc Lợi, Long Biên và Giang Biên; triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển Đề án phát triển làng nghề Lệ Mật. Kết quả, quận đã hoàn thành việc xây dựng, phát triển vùng ăn quả chất lượng cao tại phường Cự Khối diện tích 180ha, đã được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau quả an toàn, nhãn hiệu tập thể với sản phẩm ổi găng Cự Khối; vùng trồng cây ăn quả Phúc Lợi diện tích 60ha (đã cấp giấy chứng nhận diện tích trồng ổi Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP); vùng sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả phường Giang Biên diện tích 40ha (hiện đang hoàn thiện hồ sơ theo tiêu chuẩn VietGAP); khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật.

Từ những kết quả trên, có thể thấy các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần hỗ trợ cho các hộ dân, đơn vị đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn quận đã chuyển đổi được 364ha, trong đó, gần 100ha được chuyển từ đất hoang hóa sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh và nuôi trồng thủy sản; 50ha chuyển từ trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang cây ăn quả; 200ha chuyển từ cây hàng năm sang trồng cây ăn quả. Trong 365ha có 282,2ha chuyển đổi được nhận chính sách hỗ trợ theo phương án 03/PA-UBND của UBND quận với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,3 tỷ đồng để hỗ trợ giống, giếng khoan và xây dựng thương hiệu.

Việc chuyển đổi cây trồng đã được diện tích trồng cây ăn quả tăng nhanh, toàn quận hiện có trên 500ha; hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn bước đầu đã có thương hiệu: vùng ổi Cự Khối - khoảng 200ha; vùng quả chất lượng cao Phúc Lợi trên 50ah, vùng chuối Ngọc Thụy trên 80ha…giá trị sản xuất/ha canh tác tăng nhanh. Hiện bình quân đạt khoảng 230 triệu đồng/ha canh tác; nhiều mô hình cho giá trị sản xuất/ha canh tác trên 800 triệu đồng như Trang trại giáo dục phường Giang Biên, trang trại rau hữu cơ Việt Liên, trang trại ổi phường Phúc Lợi...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, quận Long Biên đã khôi phục và phát triển nghề nuôi rắn Lệ Mật - phường Việt Hưng, đã được Thành phố quyết định công nhận làng nghề Hà Nội. Đồng thời, khôi phục và phát triển việc nuôi rắn với trên 30 hộ đã được Chi cục kiểm lâm cấp phép chăn nuôi theo quy định.

Tuy nhiên, do hạ tầng phục vụ sản xuất thiếu, không thuận lợi cho việc giao thông đi lại nên việc phát triển sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực còn gặp nhiều khó khăn như khu vực ngoài bãi giữa phường Ngọc Thụy, diện tích khoảng 100ha.

Trong năm 2017, quận Long Biên sẽ tập trung chuyển đổi 18ha từ đất trồng cây kém hiệu quả, đất hoang hóa sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh và nuôi thủy sản. Duy trì, phát triển các vùng rau, quả đã chuyển đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phấn đấu 100% các hộ có diện tích chuyển đổi được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch có hiệu quả. Đồng thời, tập trung củng cố công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp tại các vùng chuyển đổi; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất/ha canh tác. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tăng sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa… Mở rộng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Thành phố, quận sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch. Hỗ trợ xúc tiến thương mại nông nghiệp thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm và tổ chức các chương trình kết nối giao thương.

Để phát huy hiệu quả Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND, quận Long Biên kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục có chính sách đặc thù cho hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại các quận theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái và sớm phê duyệt quy hoạch theo phân khu R5, R6 trên địa bàn quận để có căn cứ quy hoạch, định hướng cho phát triển nông nghiệp vùng bãi sông Hồng, sông Đuống.


Đàm Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t