Quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị ở Hà Nội: Cần tăng trách nhiệm cơ quan sở, ngành (09:24 03/04/2018)


HNP - Quy hoạch phải đi trước một bước, đó là nguyên lý trong phát triển đô thị. Nắm rõ nguyên lý trên, thành phố Hà Nội rất quan tâm chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, kiểm đếm, bổ sung công tác quy hoạch với chủ trương ưu tiên xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị đồng bộ, phục vụ cả trước mắt và lâu dài.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát về hạ tầng xã hội tại quận Hoàng Mai


Hạ tầng xã hội chưa tương thích với nhà ở

Thời gian gần đây, HĐND thành phố nhận được nhiều kiến nghị của cử tri về việc quản lý quy hoạch của thành phố chưa chặt chẽ, dẫn đến một số khu đô thị phát triển, nhưng thiếu hạ tầng xã hội đồng bộ. Nguyên nhân, do các chủ đầu tư chỉ chăm lo xây dựng nhà để bán, mà thiếu quan tâm, xây dựng hạ tầng xã hội theo quy định như trường học, bệnh viện, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Mới đây, Ban Đô thị và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát vấn đề cử tri kiến nghị. Kết quả cho thấy, thực trạng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng còn nhiều bất cập, thiếu trầm trọng trường học công, gây áp lực cho các trường học công tại khu dân cư. Trong 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh) thì mới có 36 dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ đúng quy hoạch; còn lại các dự án đang xây dựng hoặc chưa xây dựng, chủ yếu trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm…

Khu Đô thị Đặng Xá-Gia Lâm được thiết kế khá hoàn chỉnh với tỷ lệ hạ tầng cây xanh, môi trường rất tốt. Song thực tế, vẫn còn nhiều bất cập như: thiếu quy hoạch chợ dân sinh, địa điểm xây dựng nhà văn hóa, trường học…

Tương tự, khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) có diện tích 109ha, có hơn 1,2 vạn căn hộ chung cư, song đến nay, hạ tầng xã hội vẫn chưa được xây dựng đồng bộ, trường học công lập thiếu trầm trọng. Đến nay, mới có 1/6 trường xây dựng từ ngân sách nhà nước.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng còn bất cập. Việc bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội ở một số khu đô thị, khu nhà ở cao tầng chưa bảo đảm tính khả thi, dẫn đến khó trong công tác giải phóng mặt bằng (quy hoạch xây dựng trường ở khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ, khu vực đường giao thông, khu vực khó giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch hành lang xanh…). Cùng với đó, đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp, kèm theo tỷ lệ người mua nhà để đầu tư, đầu cơ cao, nhận nhà không về ở, nên các chủ đầu tư xây dựng cầm chừng.

Công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Lê Vinh: để tăng trách nhiệm của cơ quan tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương quản lý trật tự xây dựng, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát tổng thể các đồ án quy hoạch; xây dựng dự thảo “quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch; cấp giấy phép quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm mục đích nâng cao chất lượng quy hoạch của thành phố Hà Nội bảo đảm tính hiện đại, hệ thống, tầm nhìn, bền vững…

Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương trong công tác quản lý đô thị, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng tại các dự án. Trong đó, công khai danh sách các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch, sử dụng đất theo quy hoạch trong triển khai thực hiện dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, thời gian tới, thành phố chỉ xem xét giải quyết dự án tiếp theo đối với các chủ đầu tư không vi phạm quy hoạch, sử dụng đất đúng mục đích và nộp tiền sử dụng đất đúng hạn khi thực hiện dự án.

Hiện nay, TP Hà Nội có 35 đồ án quy hoạch phân khu, 33 đồ án quy hoạch chung cấp quận, huyện, thị xã. Đến nay, 26 đồ án phân khu, 31 đồ án quy hoạch chung đã được UBND thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, UBND thành phố còn giao 19 đơn vị triển khai lập quy hoạch 28 khu chung cư cũ, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện. Đã có 16 khu chung cư cũ triển khai hồ sơ ý tưởng quy hoạch theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội còn chỉ đạo tổ chức thực hiện một số đồ án quy hoạch đặc thù, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, tích hợp các công nghệ, mô hình mới, hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề khó, phức tạp, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Đó là quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm trên địa bàn 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và làng gốm sứ Bát Tràng; quy hoạch phân khu Ga và khu vực phụ cận. Về quy hoạch nông thôn mới, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành lập tổ công tác liên ngành để làm việc, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc của 11/18 huyện (Ba Vì, Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây).

Kinh nghiệm cho thấy, để quản lý tốt công tác quy hoạch đô thị, rất cần sự giám sát trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chỉ khi công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, đơn vị chặt chẽ, mới không xuất hiện công trình vi phạm trật tự xây dựng, hoặc chậm trễ thực hiện quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch tràn lan.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t