Tập trung thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (20:06 13/11/2019)


HNP - Ngày 12-11, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND, triển khai phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020.

Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, UBND thành phố chỉ đạo tập trung cho công tác phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, các cấp, các ngành phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. Thời gian, tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi (Đợt 1 vào tháng 3 và 4-2020 và đợt 2 vào tháng 9 và 10-2020). Hằng tháng, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời hạn miễn dịch. Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm và đối với bệnh dại chó, mèo phải tiêm phòng đạt trên 90% diện tiêm. Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng phải đạt trên 70%.

Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng được hỗ trợ vắc xin của thành phố. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, huyện để người dân biết, chủ động cung cấp thông tin; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt phải phân tích chuyên sâu để phát hiện sự biến chủng của mầm bệnh giúp định hướng sử dụng vắc xin cho phù hợp, hiệu quả... Đảm bảo khống chế nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng. 

Ngoài làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và các văn bản liên quan về công tác quy hoạch, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. Xây dựng lộ trình đóng cửa hoạt động của các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP và vệ sinh môi trường; đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung.

Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ đủ điều kiện; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp sử dụng dây chuyền giết mổ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường và gắn với chế biến.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t