Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững (12:38 17/03/2021)


HNP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện khá hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhờ chuyển đổi đất trồng lúa, huyện Đan Phượng đã tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nông sản sạch


Nâng cao hiệu quả sử dụng đất
 
Huyện Đan Phượng có hơn 3.569ha đất nông nghiệp, chiếm 46% diện tích đất tự nhiên. Đất nông nghiệp của huyện khá bằng phẳng và được chia thành 4 tiểu vùng, trong đó, tiểu vùng Đan Hoài hơn 1.730ha, Tiên Tân 823ha, sông Hồng 532ha, vùng bãi ven sông Đáy hơn 483ha. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng đã tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi đất trồng lúa ở những khu vực khó khăn sang canh tác các loại hoa, cây ăn quả, rau màu… Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho hay, giai đoạn 2017-2020, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được 428,9ha. Các diện tích chuyển đổi trồng rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu… đều cho thu nhập cao hơn trồng lúa 5-7 lần, tùy từng loại cây trồng. Đặc biệt, các diện tích trồng bưởi tôm vàng cho thu nhập bình quân 500-550 triệu đồng/ha/năm, hoa ly và hoa đồng tiền chất lượng cao cho thu nhập 650-750 triệu đồng/ha/năm.
 
Huyện Thạch Thất cũng là một trong những điển hình của thành phố Hà Nội trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất vui mừng cho biết, trong hai năm (2019 và 2020), toàn huyện đã chuyển đổi được 140,96ha sang trồng rau màu các loại và cây ăn quả như: bưởi, cam, đu đủ, bơ, mít, ổi… Sau chuyển đổi đã tạo được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho giá trị thu nhập cao hơn trồng lúa 5-7 lần. Cũng nhờ chuyển đổi, không những thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. “Sở dĩ công tác chuyển đổi của huyện Thạch Thất thuận lợi là do huyện đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, có kế hoạch, giao chỉ tiêu, hướng dẫn cụ thể, cùng với đó thủ tục đơn giản người dân dễ dàng tiếp cận để triển khai thực hiện. Mặt khác, huyện tích cực hỗ trợ đưa nhiều tiến bộ mới về giống cây trồng được nông dân áp dụng ngay vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm”, ông Hoàng Chí Lượng chia sẻ.
 
Không riêng hai địa phương trên, nhiều quận, huyện, thị xã có đất nông nghiệp cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố đạt hơn 7.762ha. Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là hơn 2.251ha, cây lâu năm đạt 3.044ha, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa vào khoảng 2.466ha. Các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị thu nhập bình quân từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi đã khắc phục được tình trạng người dân bỏ ruộng, khó khăn về nước tưới đối với một số vùng vàn cao, vùng xem kẹt giữa dự án thu hồi đất. Các diện tích ruộng trũng thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão khi chuyển đổi sang nuôi cá vụ mùa kết hợp với trồng lúa vụ xuân đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất và mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất trên địa bàn thành phố.
 
Hướng đến mục tiêu bền vững
 
Mặc dù nông dân Hà Nội chủ động, linh hoạt chuyển đổi đất trồng lúa để đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay. Cùng với đó, hạn chế phần nào tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước sản xuất, bỏ vụ kéo dài. Tuy nhiên, chuyển đổi đất trồng lúa còn gặp những khó khăn, thách thức. Theo ông Hoàng Chí Lượng, thực tiễn chuyển đổi đất trồng của huyện Thạch Thất cho thấy, tình trạng chung là ruộng đất còn manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch chung của một số địa phương chưa hợp lý nên chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Trong khi đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp. Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết giúp người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết giá trị. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Đạt cho rằng, quy định hiện nay về việc không được xây dựng tường rào bảo vệ trên đất trồng lúa cũng khiến bà con chưa yên tâm đầu tư trồng cây lâu năm…
 
Về vấn đề trên, ông Tạ Văn Tường thừa nhận, dù có những chuyển biến tích cực, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương còn chậm so với yêu cầu. Đặc biệt, tại một số địa phương ven đô, một bộ phận người nông dân vẫn có tâm lý giữ đất chờ dự án, ít quan tâm đến sản xuất nhưng cũng không cho thuê để chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Do đó, trong thời gian tới, cần có kế hoạch khuyến khích chuyển đổi với diện tích tập trung, nhằm thuận lợi trong công tác chăm sóc, quản lý, kêu gọi đầu tư gắn với chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản…
 
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích khoảng 19.962ha. Qua đó, thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, hàng hóa trên quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang do điều kiện canh tác khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu này, ông Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đề xuất với cấp có thẩm quyền có chính sách, giải pháp, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản… Xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời tăng cường làm “cầu nối” nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t