Hà Nội: Huy động đa dạng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (09:26 03/07/2019)


HNP - Triển khai thực hiện các chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố là khá đa dạng. Thành phố đã kịp thời huy động kịp thời tổng hợp nhu cầu vốn dành cho xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn, cần sớm được tháo gỡ.

Không còn nợ đọng xây dựng cơ bản

Bằng nhiều nỗ lực, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Theo báo cáo, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của thành phố từ tháng 1/2016 đến hết tháng 4/2019 là 41.417,3 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng, chiếm 0,2%; ngân sách thành phố 15.792,2 tỷ đồng, chiếm 37,9%; ngân sách huyện 20.893,5 tỷ đồng, chiếm 47,9%; ngân sách xã 1.084,9 tỷ đồng, chiếm 2,8%; vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 3.581,6 tỷ đồng (đóng góp của nhân dân là 1.646,2 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 1.356,4 tỷ đồng; các nguồn vốn khác 579,1 tỷ đồng), chiếm 11,1%. Đáng chú ý, thông qua điều hành linh hoạt, đến hết năm 2017, thành phố Hà Nội không còn nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Nhờ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách, sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn và đời sống nhân dân ngoại thành đã có những bước phát triển vượt bậc. Đáng chú ý, trong phát triển nông nghiệp, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,5%/năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 tăng 3,6%. Cơ cấu về giá trị sản xuất năm 2018 tiếp tục chuyển dịch tích cực: Trồng trọt, lâm nghiệp 42,7%; chăn nuôi, thủy sản 52,86%; dịch vụ 4,44%. Toàn Thành phố đã có 131 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Còn trong xây dựng NTM, đến nay, thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, tăng 3 huyện so với năm 2015. Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ NN&PTNT thẩm định, trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện Quốc Oai và Gia Lâm đạt chuẩn huyện NTM; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây hoàn thiện các tiêu chí, đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Về xây dựng xã NTM, đến nay, toàn thành phố có 325/386 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bằng gần 1/10 số xã NTM toàn quốc, tăng 124 xã so với năm 2015, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đến nay, các xã trên địa bàn thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,49 tiêu chí/xã, tăng 0,77 tiêu chí/xã so với 2015.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến đến hết năm 2019, có thêm 3 huyện (Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ) và 30 xã hoàn thành xây dựng NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 353 xã; đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 huyện, 370 xã đạt chuẩn NTM.

Từ kết quả xây dựng NTM, đời sống nông dân ngoại thành Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình của người dân người khu vực nông thôn đã tăng từ 33 triệu đồng năm 2015 lên 46,5 triệu đồng năm 2018; dự kiến hết năm 2019 đạt trên 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% năm 2016, giảm xuống còn 1,81% cuối năm 2018.

Tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, so với nhu cầu về nguồn vốn trong xây dựng NTM của thành phố chiếm tỷ trọng chưa cao. Trong 3 năm qua, trung bình tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho khu vực nông thôn đạt 30% tổng đầu tư ngân sách của thành phố; tỷ trọng đầu tư hằng năm từ ngân sách cho khu vực nông thôn còn thấp so với tổng đầu tư xã hội, chỉ chiếm khoảng 5%. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư từ các nguồn còn có sự chênh lệch lớn, đầu tư từ ngân sách gấp 10 lần so với huy động ngoài ngân sách. Như vậy, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.

Theo Ban Chỉ đạo trung ương Các chương trình mục tiêu quốc gia, thì Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Sau khi các địa phương hoàn thành xây dựng NTM, sẽ tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn Hà Nội. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia mục tiêu xây dựng NTM sau năm 2020 là rất cần thiết.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trong xây dựng NTM, ngoài đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, xã hội... UBND thành phố cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các đề án xây dựng NTM đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Triển khai có hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn; nhanh chóng tổ chức triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững; chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự. Gắn xây dựng NTM với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Hà Nội xác định rõ quan điểm, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng NTM kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t