Hà Nội: Nhiều nỗ lực củng cố an toàn đê điều (21:57 09/04/2019)


HNP - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai, lụt bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, thành phố Hà Nội đã và đang từng bước đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống đê điều.

Nâng cao năng lực phòng chống lũ

Trên địa bàn thành phố hiện có gần 627km đê được phân cấp, trong đó, có gần 38km đê cấp đặc biệt, hơn 249km đê cấp I, hơn 45km đê cấp II, hơn 72km đê cấp III,... Ngoài nhiệm vụ chống lũ, các tuyến đê trên thành phố được sử dụng làm đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hằng năm, thành phố đều có phương án hộ đê và bảo vệ các trọng điểm về đê điều để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai; tổ chức công tác trực ban theo dõi bão, áp thấp nhiệt đới, cập nhật tin tức và thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản do bão lũ gây ra. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đánh giá phân loại vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão trước lũ; xây dựng bản đồ bố trí vật tư, vị trí các trọng điểm xung yếu đê điều...

Đáng chú ý, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 quy hoạch chuyên ngành về đê điều: Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết; Quy hoạch đê điều. Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác quản lý đê điều. Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông cũng được Chi cục thực hiện thường xuyên. Các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, báo cáo và đề xuất xử lý kịp thời. Các phòng chuyên môn và Hạt Quản lý đê đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, lập báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ. Trên cơ sở đó, xác định các trọng điểm, các điểm xung yếu; lập phương án bố phòng hộ đê, bảo vệ các trọng điểm cấp thành phố và phương án toàn tuyến...

Đi đôi với ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, công tác đầu tư tu bổ đê điều trên địa bàn thành phố bảo đảm an toàn chống lũ theo thiết kế. Trong đó, đã đầu tư, xóa bỏ được 5 trọng điểm, xung yếu gồm: Nâng cấp đê Sen Chiểu; kè Cổ Đô; kè Gia Thượng, Thanh Am, Tình Quang đê hữu Đuống; kè Đổng Viên; kè Tân Hưng, Cẩm Hà đê hữu Cầu. Cùng với đó, xử lý khẩn cấp, khắc phục kịp thời các sự cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn đê điều tại các khu vực: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề (quận Long Biên); Yên Viên, Lệ Chi, Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Khánh Thượng, Minh Quang, Phong Vân, Minh Châu (huyện Ba Vì); Thọ An, Hồng Hà, Liên Trì (huyện Đan Phượng); Chương Dương, Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng); Ninh Sở, Chương Dương (huyện Thường Tín); Đại Gia (huyện Phú Xuyên)...

Đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp

Theo nhận định, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Ðể chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng hộ đê, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, hằng năm, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai về kiểm kê, rà soát, đánh giá phân loại vật tư dự trữ phòng chống lụt bão; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố ban hành các chỉ thị, quyết định về công tác phòng chống thiên tai; phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, các cơ quan báo chí tuyên truyền về Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều...

Bên cạnh đó, Chi cục đôn đốc các địa phương, các ngành chủ động lập, phê duyệt phương án phòng chống thiên tai; phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức, thực hiện Đề án quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; thực hiện thu và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố; tổ chức công tác trực ban theo dõi bão, áp thấp nhiệt đới, cập nhật tin tức và thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định. Hằng năm, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội kiểm tra, đánh giá phân loại vật tư dự trữ phòng chống thiên tai trước lũ; xây dựng bản đồ bố trí vật tư, vị trí các trọng điểm xung yếu đê điều; phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, trong công tác quản lý đê điều, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố công trình, phát hiện lập biên bản và phối hợp với các địa phương trong việc ngăn chặn, giải tỏa vi phạm. Rà soát, kiểm tra và đề xuất kịp thời các diễn biến sạt lở, hư hỏng đê kè, bảo đảm an toàn phòng chống lũ...

Với việc thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ giải pháp trong công tác hộ đê và phòng chống thiên tai mà Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã, đang triển khai thực hiện, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai có thể gây ra trên địa bàn thành phố. 


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t