5 năm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc: Rút ngắn khoảng cách vùng miền (08:59 31/10/2018)


HNP - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, với sự quan tâm chỉ đạo TP Hà Nội, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô cải thiện rõ rệt. Qua đó, góp phần rút gắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền của Hà Nội.

Ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn

Xác định rõ tầm quan trọng, trong 5 năm qua, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt thực triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn thành phố. Thông qua việc thực hiện chính sách dân tộc, nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 2020 công trình, dự án. Ngoài ra, thành phố kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thông tin (kinh phí 92 tỷ đồng) và 5 dự án cấp điện (kinh phí 101 tỷ đồng) đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô.

Để tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố bố trí 1.000 tỷ đồng tập trung đầu tư hoàn thành 69 công trình chuyển tiếp, công trình ở thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc các lĩnh vực y tế, giao thông, trường học, thủy lợi. Đến nay, ngân sách thành phố đã cấp 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện, hầu hết các dự án đã được bố trí đủ vốn. Dự kiến, cuối năm 2018 có 68 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu về đầu tư cơ sở hạn tầng theo chính sách của trung ương quy định.

Có thể nói, với sự quan tâm đầu tư của thành phố và các địa phương, kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô có bước phát triển mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh. Đầu năm 2016, tại 14 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) có tổng số 3.728 hộ nghèo, thì đến đầu năm 2018, còn số này chỉ còn 1.705 hộ. Như vậy, 2 năm qua, đã giảm được 7,44% số hộ nghèo và tính đến cuối năm 2017, thành phố không còn xã, thuôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đáng nói, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô đã có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm các xã: Ba Trại, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Phú Mãn, Đông Xuân, Trần Phú. Các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 có 7 xã (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài và An Phú). Khấn khởi hơn là trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô được nâng cao, đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng có ý thức tự thân nỗ lực, cố gắng vươn lên. Lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường, củng cố. Khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước ngày càng lớn mạnh.

Hướng tới phát triển bền vững

Những kết quả đạt sau 5 năm thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn TP Hà Nội có lẽ không phải bàn thêm. Tuy nhiên, ở một bài địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa còn thấp. Kiến thức về kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế của người dân còn hạn chế, điều kiện kinh tế một bộ phận người dân còn khó khăn. Mặt khác, nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi rất lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế; kết cấu hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng giáo dục còn hạn chế và chưa đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người dân tộc thiểu số ở một số nơi nhìn chung còn thấp.

Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, hướng tới phát triển bền vững, thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 185/KH-UBND, ngày 31/10/2014 của UBND thành phố triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Qua đó, tiếp tục tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân tộc. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc theo đúng quy định; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vùng dân tộc thiểu số. Liên quan đến nhiệm vụ này, UBND thành phố giao sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện chính sách dân tộc đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Các địa phương cũng cần chủ động phối hợp với sở, ban, ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ theo lợi thế, tiềm năng, khả năng theo vùng miền, gắn kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa..., từng bước nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô. 


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t