Hiện thực hóa danh hiệu Thành phố sáng tạo bằng nhiều giải pháp (15:30 02/10/2020)


HNP - Tại buổi tọa đàm "Hà Nội - Thành phố sáng tạo", sáng 2/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã đồng chủ trì phiên trao đổi, tham vấn ý kiến của các đại biểu nhằm chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm về bảo tồn, sáng tạo, phát triển các di sản văn hóa gắn với phát triển đô thị hiện đại.

Các đại biểu chủ trì tọa đàm


Tọa đàm đã ghi nhận ý kiến của các vị đại sứ, đại diện cho các đại sứ quán, các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ quan Liên hợp quốc như UN Habitat, UNIDO, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội. Các tham luận, trao đổi, thảo luận của các đại biểu tập trung vào các nhóm giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn một Thủ đô sáng tạo, bao gồm tái tạo đô thị, mạng lưới giáo dục kích thích sáng tạo với ưu tiên cho nghệ thuật và khoa học, hệ thống chuỗi tổng thể các sự kiện, hội chợ, triển lãm, lễ hội văn hóa và việc xây dựng, quảng bá thương thiệu thành phố, Thủ đô sáng tạo…
 
Cụ thể, bàn về hệ thống tàu ngầm trong di sản văn hoá thành phố, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Yamada Takio cho rằng đây là nhu cầu tất yếu với những thành phố lớn. Những thành phố có bề dày văn hoá cũng có nhu cầu phát triển giao thông trong đó có tàu điện ngầm. Giới thiệu sơ lược về tàu điện ngầm của Nhật Bản có cách đây 100 năm kết nối các địa điểm Tokyo, hiện vẫn hoạt động hiệu quả và đóng vai trò quan trọng…
 
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, hệ thống tàu điện ngầm được xây dựng tại TP Hồ CHí Minh được xem là công trình quan trọng. Các chuyên gia Nhật Bản tham gia dự án này với một tinh thần phối hợp thực hiện với sự cẩn trọng cao nhất nhằm tránh gây ảnh hưởng đến các công trình văn hoá, lịch sử của thành phố. Dự án thúc đẩy phát triển tàu điện ngầm ở khu vực sát hồ Hoàn Kiếm có sự tương đồng với Tokyo, Nhật Bản cách đây 100 năm. Ngài Yamada Takio khẳng định: Trước khi bắt đầu xây dựng, chúng tôi luôn tham vấn, đối thoại để tìm giải pháp bảo tồn tốt nhất di sản và văn hoá người dân địa phương, truyền thông tới người dân bởi sự ủng hộ của người dân chính là điểm then chốt.
 
Toàn cảnh tọa đàm
 
Đề cập đến chủ đề Cải tạo và tái sử dụng các tòa nhà di sản, nhà cổ trong một thành phố hiện đại về thiết kế, ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam khẳng định: Di sản là khía cạnh căn cốt, Italia có nhiều di sản, đó là một phần lịch sử và tâm hồn Ý. Gắn liền với sáng tạo, di sản không phát triển tình cờ mà có nền tảng từ quá khứ, lịch sử. Đại sứ quán Italia từng tổ chức hội thảo về bảo tồn di sản ở Việt Nam, theo đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào bảo tồn di sản cho tương lai và đem lại lợi ích cho người dân thì vẫn còn là thách thức. Thiết kế là lĩnh vực Hà Nội tham gia và hoạt động này của Italia phát triển mạnh mẽ, do đó Đại sứ Italia khẳng định: Chúng tôi đã mang đến Việt Nam nhiều chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực này và mong muốn tiếp tục tổ chức trong thời gian tới…
 
Bàn về Mô hình hợp tác 3 bên trong phát triển đô thị Nhà nước - Doanh nghiệp - Cộng đồng, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, để bảo đảm khả năng phát triển, Hà Nội và Hà Lan phải có thiết kế sáng tạo và thông minh. Bà Đại sứ cho biết, Hà Lan đưa ra các giải pháp thương thảo, đàm phán, chung tay giữa các bên, hướng tới mục tiêu chung, lâu dài và mô hình tốt cho các bên. Nói cách khác, mô hình 3 bên phải đưa ra giải pháp ứng phó với vấn đề đặt ra. Hà Lan mong muốn giới thiệu cách thức của Hà Lan với Hà Nội để tìm ra sự đồng thuận trong xây dựng, phát triển…
 
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
 
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội vinh dự sau 20 năm được UNESCO công nhận là Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới… Song vẫn còn nhiều việc cần làm để tiếp tục hiện thực hóa danh hiệu Thành phố sáng tạo. Trong đó, cần cân bằng giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa các giá trị truyền thống và hiện đại; thiết kế một hệ sinh thái cho hoạt động đổi mới, sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống chính sách kinh tế, tạo cơ chế điều hành như thành lập cơ quan điều phối, chủ trì của thành phố để phát huy sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, người dân cho định hướng phát triển chung của Thủ đô; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, công khai, minh bạch ở tất cả các khâu trong quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, với người dân là trung tâm.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp tại tọa đàm và khẳng định sẽ tiếp thu một cách cầu thị, chắt lọc và biến các ý tưởng được đưa ra thành hiện thực, với sự chung tay góp sức không chỉ của chính quyền mà còn cả doanh nghiệp, khối tư nhân, người dân và các đối tác quốc tế…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t