Phấn đấu 70% trường đạt Chuẩn Quốc gia đến năm 2020 (13:43 05/04/2018)


HNP - Sáng 5/4, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo về công tác xây dựng trường Chuẩn Quốc gia đến năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu kết luận hội nghị


Theo đó, năm 2017, tổng số trường học được kiểm tra thẩm định công nhận đạt trường CQG là 130 trường, đạt 162,5% kế hoạch Thành phố giao. Số trường đến hạn công nhận lại là 205 trường, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã kiểm tra thẩm định công nhận lại 127 trường. Trong năm 2018, Thành phố giao xây dựng mới 80 trường CQG, công nhận lại 189 trường CQG. Số trường chưa hoàn thành công nhận lại năm 2017 được chuyển sang năm 2018 là 78 trường.

Một số tồn tại trong quá trình thực hiện công tác xây dựng trường CQG phải kể đến kinh phí cho đầu tư công trong năm 2017 tiếp tục khó khăn. Trong đó, các huyện ngoại thành gặp khó khăn hơn, nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, trong khi tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đạt CQG. Các quận nội thành khó khăn về quỹ đất để mở rộng trường, do số học sinh tăng. Các trường trong kế hoạch 2017, hầu hết có dự án đầu tư về cơ sở vật chất và các trang thiết bị nên kết hoạch kiểm tra, thẩm định thường tập trung vào các tháng cuối năm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường CQG.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý xác định việc xây dựng trường CQG là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đồng chí cho rằng kết quả khả quan mà ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được thời gian qua là điều kiện thuận lợi để hoàn thành chỉ tiêu 70% trường mầm non và phổ thông công lập đạt CQG từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị các đơn vị rà soát các biện pháp tổng thể để xây dựng mục tiêu, lộ trình xây dựng trường CQG cụ thể đến năm 2020. Ưu tiên quan tâm đến các điều kiện về cơ sở vật chất; cân đối nguồn lực theo phân cấp, rà soát quỹ đất... Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến các cơ sở để hoàn thành tốt công tác xây dựng trường CQG từ nay đến năm 2020.

* Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã nghe báo cáo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”.

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội, năm 2017, toàn Thành phố có hơn 6,325 nghìn người tham gia BHXH và BHYT, tăng 8,1% so với năm 2016. Trong đó, số người tham gia bắt buộc là khoảng 1,52 nghìn người; trẻ em dưới 6 tuổi là 829.719 người; học sinh - sinh viên tham gia BHYT là gần 1,5 nghìn người; các hộ gia đình là hơn 1 nghìn người; các đối tượng khác tham gia BHYT là gần 1,5 nghìn người... Thu BHXH, BHYT, BHTN là 33.718,1 tỷ đồng, tăng hơn 4.297 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 83,8% dân số Thủ đô, vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố giao là 1%.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, số thu BHXH, BHYT đạt 7.142 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đến nay, Thành phố có trên 6,3 triệu thẻ BHYT, đạt 84% dân số Thủ đô... Một số nhóm đối tượng tỷ lệ tham gia BHYT thấp so với thực tế như: Khối doanh nghiệp tham gia gần 50%; còn 13 huyện, thị xã, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT dưới mức bình quân toàn Thành phố, tập trung tại các huyện ngoại thành; đối với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp năm học 2017 - 2018 tỷ lệ tham gia đạt 91,15%, một số nơi (2 quận và 6 huyện) sinh viên – học sinh tham gia BHYT dưới 70%... Trong quí I/2018, chi phí khám chữa bệnh BHYT ước tính 3.275 tỷ đồng với 2.241.286 lượt khám chữa bệnh.

Mặc dù kết quả tham gia bảo hiểm của các đối tượng tăng so với cùng kỳ năm trước, song vẫn tồn tại một số khó khăn trong công tác triển khai. Trong đó, công tác phát triển đối tượng gặp trở ngại trong việc rà soát, thống kê các doanh nghiệp trên địa bàn, trong khi đó vẫn còn một số doanh nghiệp trốn đóng BHXH và BHYT cho lao động hoặc tham gia không đủ số lao động thực tế. Với đối tượng học sinh - sinh viên, ngoài nhận thức của phụ huynh chưa đầy đủ thì trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa cao. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh chỉ định bệnh nhân vào điều trị rộng rãi, chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm... quá mức so với tình trạng bệnh tật...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ghi nhận những kết quả mà Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đạt được trong năm 2017. Đồng chí cho rằng, tỷ lệ bao phủ BHYT của Thành phố đạt cao là tín hiệu tích cực. Riêng với khối doanh nghiệp và học sinh - sinh viên, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa để tăng diện BHYT. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của BHXH, BHYT. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở GD&ĐT tăng tỷ lệ sử dụng BHYT của các khối doanh nghiệp, học sinh - sinh viên. Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội cần phân loại nợ bảo hiểm, phối hợp với các ngành liên quan rà soát, đôn đốc công tác thu nợ; phối hợp Sở Y tế giám định BHYT và các bệnh viện...


Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t