Còn nhiều nỗi lo đê điều (13:40 18/12/2017)


HNP - Thực tế, tình trạng xâm phạm hành lang an toàn đê điều trên địa bàn Hà Nội đã được cảnh báo từ lâu. Các cuộc ra quân xử lý vẫn được tiến hành, nhưng vi phạm vẫn xảy ra. Sai phạm cũ chưa được giải quyết đã lại phát sinh sai phạm mới, đe dọa đến an toàn đê điều, năng lực tiêu, thoát lũ.

Ngổn ngang vi phạm

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố tiếp tục phát sinh 183 vụ vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra ở 23 quận, huyện, thị xã có đê. Địa bàn để xảy ra vi phạm nhiều nhất là các huyện Ứng Hòa: 31 vụ vi phạm, Sóc Sơn: 23 vụ, Thường Tín: 16 vụ, Phú Xuyên: 16 vụ, Hoài Đức: 15 vụ, Ba Vì: 14 vụ, Thanh Oai: 10 vụ, Gia Lâm: 9 vụ, Thanh Trì: 9 vụ.  

Hành lang sông cũng trong tình cảnh tương tự. Dọc các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố có tổng số 202 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó 38 bãi có giấy phép và 164 bãi không có giấy phép. Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ tập trung nhiều tại địa bàn: Ba Vì: 16 bãi, Sơn Tây: 16 bãi, Phúc Thọ: 6 bãi, Đan Phượng: 10 bãi, Bắc Từ Liêm: 31 bãi, Hoàng Mai: 16 bãi,, Thường Tín: 17 bãi, Phú Xuyên 10: bãi, Long Biên: 11 bãi, Đông Anh: 25 bãi, Gia Lâm: 32 bãi... gây ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đê, kè, bờ sông; tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ, bãi sông, công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận. Một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ....

Ngoài điểm tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông nêu trên, hiện nay, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa tồn tại 27 điểm tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều cũng như gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Qua rà soát, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có 93 bãi hoạt động của xe quá tải ra vào bãi, đi trên đê. Tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên một số tuyến đê, đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống thuộc các quận, huyện: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và khu vực tập trung nhiều làng nghề ven đê tả Đáy ở huyện Hoài Đức diễn biến phức tạp. Xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê đã làm cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người và phưong tiện tham gia giao thông trên tuyến đê.

Chưa hết, trên địa bàn thành phố còn xảy ra một số vi phạm pháp luật về đê điều nghiêm trọng, nổi cộm chưa được xử lý. Đơn cử, trên địa bàn huyện Hoài Đức và Quốc Oai, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông sản Phượng Cách, đổ đất làm đường chặn ngang lòng sông Đáy, cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ; tiềm ẩn nguy cơ mất an cho bản thân công trình, mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông vào mùa lũ.

Cần siết chặt quản lý

Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã ban hành 50 văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có 54 văn bản, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã có 66 văn bản, ngoài ra, các Hạt quản lý đê cũng đã có nhiều văn bản gửi đến chính quyền các cấp đề nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Ngày 7/12, Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Văn bản số 11711/VP-KT đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Theo đó, sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm đã xảy ra, ngăn chặn những vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh, đúng quy định của pháp luật...

Ghi nhận từ các địa phương cho thấy, việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều như "muối bỏ bể", chỉ giải tỏa được các loại "vi phạm giản đơn" như làm lều, lán, để vật liệu xây dựng trên mái đê... Các trường hợp phức tạp như công trình trong hành lang bảo vệ đê... hầu như chưa được xử lý. Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, các vụ vi phạm đều được phát hiện, lập biên bản, tuy nhiên, kết quả xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm còn thấp, thậm chí thiếu quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, chính quyền các quận, huyện, thị xã đã xử lý được 16 vụ, số vi phạm phát sinh trong năm 2017 còn tồn đọng là 217 vụ. Trong khi đó, chất lượng đê điều ở một số nơi đã xuống cấp, nhiều thân tuyến đê có tổ mối, tổ chuột..., tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố vào mùa mưa lũ.

Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, các vụ việc vi phạm nghiêm trong đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, trong khi đó số vụ vi phạm chưa được xử lý còn tồn đọng nhiều. Để ngăn chặn, xử lý hiệu quả và hạn chế tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trong thời gian tới, ngoài các giải pháp về công trình, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều đang tồn đọng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các Hạt Quản lý đê kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới. Tăng cường công tác quản lý đối với khu vực bãi bồi ven sông; kiểm tra, rà soát và có phương án quản lý, sử dụng các khu vực bãi ven sông theo quy định; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thầm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều để mọi người dân chấp hành nghiêm pháp luật, không vi phạm Luật Đê điều.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t