Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 09/01/2015) (15:05 20/01/2015)


.

Những nội dung trọng tâm
1. Thời sự, chính trị

Ngày (5/1), UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ ra quân triển khai thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015” và bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 trên địa bàn. Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị – 2014”, bộ mặt đô thị Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực được người dân ghi nhận. Tại một số tuyến đường, khu vực trước đây là “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc, mất ATGT nay đã trở nên thông thoáng, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, tại một số nơi kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường vẫn diễn ra. Do đó, để khắc phục tình trạng trên cũng như phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2014, năm 2015, UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu các lực lượng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo sự chuyển biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tập trung vào 3 nội dung chính gồm: trật tự và văn minh đô thị; Đảm bảo trật tự ATGT; Xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Hà Nội ra quân thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015” (Kinh tế đô thị, 05/1).
Ngày 4/1, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khánh thành 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia là cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài và Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tại buổi lễ, ngoài việc tham gia tổ chức khánh thành các công trình, UBND TP Hà Nội đã tổ chức gắn biển tên đường cho dự án đường dẫn cầu Nhật Tân – Nội Bài. Theo đó, con đường sẽ mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, cùng với việc xây dựng cầu và tuyến đường, Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết dọc hai bên tuyến đường. Khánh thành ba công trình giao thông trọng điểm quốc gia (Kinh tế đô thị, 04/1).
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV (đầu tháng 12-2014) đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về thành lập mới các thôn, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập mới 273 thôn, tổ dân phố (gồm 29 thôn và 244 tổ dân phố). Hà Nội: Quyết định thành lập mới hơn 270 thôn, tổ dân phố (Hà Nội mới, 07/1).
Theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ TT&TT ban hành, số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất có độ dài 7,8 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông cố định vệ tinh có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất có độ dài 7 chữ số. Kể từ ngày 1/3, mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thay đổi cụ thể như: TP Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; TP Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; TP Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; TP Cần Thơ đổi từ 710 thành 292… Từ 1/3, Hà Nội có mã vùng điện thoại cố định mới (Kinh tế đô thị, 07/1).
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ ngày 29-12-2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép tách Sở VH-TT&DL thành hai đơn vị (Sở VH-TT và Sở Du lịch). Sau khi Hà Nội thực hiện Nghị định 13/2008 của Chính phủ (ngày 4-2-2008) về việc sáp nhập các sở TD-TT, Du lịch, VH-TT thành Sở VH-TT&DL thì tiếp đó ngày 1-8-2008, Hà Nội lại tiếp tục tổ chức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, do đó Sở VH-TT&DL TP Hà Nội có đặc thù khác với nhiều địa phương khác trong cả nước. Sở VH-TT&DL TP Hà Nội được hợp nhất từ sáu sở (gồm cả của Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ), nhiều hơn so với địa phương khác ba sở. Trong quá trình hoạt động đã có nhiều bất cập nhất định, chức năng của sở, ngành khác nhau rất nhiều, việc triển khai nhiệm vụ gặp một số khó khăn.  Hà Nội: Đề xuất tách Sở VH-TT&DL do bất cập (Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 07/01).
 

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
Kết thúc năm 2014, Cục Thuế Hà Nội đã giảm, gia hạn 6.193 tỷ đồng các khoản thu từ đất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội còn gia hạn 172 tỷ đồng tiền thuế các loại như: thuế GTGT, thuế thu nhập Doanh nghiệp cho người nộp thuế; xóa nợ thuế trên 16 tỷ đồng. Hà Nội: Gia hạn 6.193 tỷ đồng tiền thuế đất cho doanh nghiệp (baohaiquan.vn, 07/01).
Ngày 7-1, UBND TP Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã tổ chức hội nghị tổng kết về công tác đấu giá quyền sử dụng đất năm 2014 và triển khai công tác này trong năm 2015. Theo báo cáo của Sở TN&MT, năm 2014, do thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi nên nhiều phiên đấu giá có số lượng tăng cả về người tham gia đấu giá và quy mô diện tích. Tính đến ngày 31/12/2014, theo số liệu báo cáo của 18 đơn vị, quận, huyện, thị xã, với diện tích tổ chức đấu giá 18,38 ha, tổng số tiền đấu giá thu được trên 2.989 tỷ đồng.  Hà Nội thu gần 3000 tỷ đồng từ đấu giá sử dụng đất năm 2014 (Hà Nội mới, 07/1).
Nhằm tăng cường khả năng chống lũ cho tuyến đê tả Đáy chạy qua địa bàn huyện Ứng Hòa, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư dự án xử lý đắp cơ thượng lưu chống sạt lở chân mái phía sông đê tả Đáy thuộc địa bàn các xã Sơn Công, Đồng Tiến. Dự án sẽ được triển khai tại đoạn từ K58+710 đến K59+500 và đoạn K59+850 đến (tổng chiều dài khoảng 940m); tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Hà Nội đầu tư khoảng 10 tỷ đồng chống sạt lở đê tả Đáy (Hà Nội mới, 07/1).
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị chỉ định thầu để cấp bách triển khai sửa chữa cầu Long Biên nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện lưu thông. Tổng kinh phí sửa chữa là gần 298 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Gần 298 tỉ đồng sửa chữa cầu Long Biên     (Tiền phong, 08/1).
Ngày 5/1, hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị” và đảm bảo trật tự ATGT năm 2015, UBND quận Đống Đa và Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã đồng loạt tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị trên các tuyến đường trục chính, khu vực tập trung đông người. Lực lượng Thanh tra GTVT, CSTT quận phối hợp với UBND, Công an các phường sở tại tổ chức ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh sai quy định gây mất mỹ quan đô thị, trật tự ATGT. Các quận hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015” (Kinh tế đô thị, 05/01).
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc đảm bảo ATGT cho dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và các lễ hội xuân năm 2015. Theo đó, công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng trực đảm bảo ATGT, tổ chức tiếp nhận và giải quyết thông tin theo chế độ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Lập đường dây nóng ATGT hoạt động 24h dịp Tết (Tiền phong, 06/1).
Các hình ảnh phương tiện vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai làn, không chấp hành đèn tín hiệu... sẽ được camera của Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội lưu lại để phạt nguội. Cụ thể, Hà Nội sẽ tiến hành rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, trong đó, sẽ tập trung xử lý tại 46 điểm nóng có nguy cơ ùn tắc giao thông và những nơi có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông để có giải pháp tổ chức và xử lý giao thông phù hợp. Hà Nội: Sắp tiến hành phạt nguội phương tiện vi phạm giao thông (Đời sống và Pháp luật, 06/01).
UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn trả lời đề nghị xin thí điểm tạm thời điểm trông giữ xe tại gầm cầu vành đai 3, từ ngã ba Giải Phóng đến ngã ba Pháp Vân và hai bên gầm cầu vượt Ngã Tư Sở của Công ty cổ phần thương mại Thương binh Hà Nội HTB Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, UBND thành phố không có chủ trương cho tổ chức trông giữ phương tiện tại các gầm cầu vượt và đường bộ trên cao. Hà Nội không cho trông giữ phương tiện giao thông tại các gầm cầu (VOV.vn, 07/01).
Theo đơn phản ánh, trong vài tháng trở lại đây tại khu đất làng nghề đã được quy hoạch tại khu vực giáp đường Vạn Phúc và Tố Hữu (thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) hàng loạt ki ốt mọc lên trái phép, bất chấp quy định của pháp luật. Ngoài ra, các công trình nhà ở kiên cố, cao từ 1-3 tầng mọc lên như “nấm”. Khu đất làng nghề, theo đúng quy hoạch thì chỉ được xây dựng nhà xưởng tạm. Tuy nhiên, thời gian khoảng đầu năm 2014 khi mới có chủ trương của quận thì các hộ đua nhau xây nhà rồi giao bán nhà, đất với mức giá lên đến hơn 20 triệu đồng/m2. Đặc biệt có một số công trình xây dựng vi phạm “khủng” sai phép cao 8-9 tầng, bất chấp quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc xác nhận một số sai phạm tại khu vực và việc xây dựng hàng loạt ki ốt là chưa có giấy phép xây dựng. Hàng loạt công trình xây dựng trái phép ở phường Vạn Phúc (Kinh tế đô thị, 05/01).
Thời gian gần đây, trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) nhiều cột điện bị nghiêng, thậm chí có cột bị gãy phần thân khiến người đi đường luôn trong tình trạng lo sợ cột điện đổ, gây tai nạn. Nhiều cột điện còn gãy thân, trơ lõi sắt bên trong và một số trụ cột sắp bị bật lên vô cùng nguy hiểm. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài và đang hàng ngày, hàng giờ gây nguy hiểm cho người qua đường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có cơ quan chức năng nào vào cuộc để có biện pháp xử lý. Cột điện “đe dọa”người đi đường (Kinh tế đô thị, 09/1).
14 năm qua, người dân sinh sống tại ngõ 460 đường Khương Đình, phường Hạ Đình (Thanh Xuân) nhiều lần phải đối mặt với thông báo của các cấp thẩm quyền về việc phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện một số dự án (DA). Đến nay DA cải tạo mương T8A đã được triển khai nhưng lại vấp phải sự phản đối của một số hộ dân. Nguyên nhân là các cơ quan chức năng chưa công khai, giải thích rõ ràng đối với người dân về phạm vi thu hồi đất thực hiện DA nhằm bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên. Dự án cải tạo mương T8A Kim Giang (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân): Chậm trễ vì thiếu minh bạch? (Hà Nội mới, 05/1).
Nằm dọc tuyến đường liên xã, đoạn qua thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai), nhiều công trình xây dựng trên đất giãn dân bị xếp vào diện vi phạm vì theo quản lý của chính quyền sở tại, đây vẫn là đất công cho dù cách đây 25 năm, người dân đã được phê duyệt trong quyết định cấp đất của UBND tỉnh Hà Tây trước đây (nay là UBND TP Hà Nội). Một số người dân đã xây nhà ở khu vực này cho biết: Người dân đã phải nộp tiền cho chính quyền địa phương, nhưng đã nhiều năm rồi vẫn không được cấp sổ đỏ. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Cao, việc người dân chưa được cấp sổ đỏ là lỗi của hệ thống các cơ quan chức năng chứ không phải lỗi của người dân, UBND xã Thanh Cao sẽ tích cực đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ để cấp sổ đỏ cho những hộ đủ điều kiện trong thời gian tới. Xây dựng công trình trên đất chưa được cấp sổ đỏ (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai): Lỗi thuộc về cơ quan chức năng (Hà Nội mới, 05/1).
Từ cuối tháng 6-2014 đến nay, Báo Hànộimới nhiều lần có bài phản ánh việc tại khu đồng Mả Kiêu, Làng Giai và Gò Hó - cửa Rừng, xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) nhiều hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp. Đến nay đã nhiều tháng trôi qua, chính quyền xã Cam Thượng và cơ quan chức năng huyện Ba Vì vẫn chưa xử lý dứt điểm vi phạm. Trong khi đó, nhiều công trình khác tiếp tục "mọc" lên, gây bức xúc trong nhân dân… Vi phạm trên đất nông nghiệp ở Cam Thượng (Ba Vì): Vì sao chưa xử lý dứt điểm (Hà Nội mới, 06/1).
Sông Hồng, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội đang đứng trước tình trạng báo động về ô nhiễm, hàng ngày có hàng ngàn ống nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra dòng sông này...Bên cạnh đó là hàng tấn rác thải sinh hoạt của người dân sống xung quanh lưu vực sông Hồng cũng được đổ thẳng xuống sông. Khu vực chợ đầu mối Long Biên, nơi hàng ngày có hàng ngàn tiểu thương buôn bán đủ các mặt hàng và cũng là nơi thải ra nhiều chất thải xuống sông Hồng nhất. Sông Hồng, 1 phần của sự sống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, 1 biểu tượng của Hà Nội đang "thảm thiết" kêu cứu trước sự tàn phá của con người... Sông Hồng đang kêu cứu (Tiền phong, 06/01).
3. Văn hóa, y tế và giáo dục
Ngay sau khi thông xe cầu Nhật Tân và đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án phân luồng, hướng dẫn nhằm bảo đảm ATGT. Để khắc phục mâu thuẫn giữa việc người dân lên tham quan chụp ảnh và trật tự giao thông, Hà Nội đã tổ chức cuộc họp liên ngành, chỉ đạo lực lượng CSGT, thanh tra giao thông tăng cường lực lượng hướng dẫn người dân. Xung quanh việc người dân đổ xô lên cầu Nhật Tân chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chụp ảnh, quay phim trong mấy ngày qua, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết, mọi người dân đều có quyền tham quan cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng đẹp nhất Đông Nam Á. UBND TP Hà Nội đang giao cho Sở GTVT và Công an Thành phố phối hợp tổ chức, lên phương án cụ thể bố trí cho người dân tham quan cầu Nhật Tân. Hà Nội: Tổ chức cho người dân tham quan cầu Nhật Tân (Hà Nội mới, 09/1).
Bộ VHTT&DL vừa có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho 14 di tích. Trong đó, riêng TP. Hà Nội có tới 3 di tích, gồm: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn (Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai); Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc, huyện Sóc Sơn, và Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (thuộc huyện Thạch Thất). 3 di tích của Hà Nội đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Kinh tế đô thị, 05/01).
Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) vừa đưa ra thông tin về việc thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa xuân năm 2015. Ngay sau đó, ngày 3/1, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác an toàn thực phẩm phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và lễ hội năm 2015. Theo đó, thành phố thành lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố do lãnh đạo các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn để thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện và kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và lễ hội năm 2015 tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân 2015 tại Hà Nội (Kinh tế đô thị, 05/12).
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trong năm 2014, tổng số trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP là 9.775 trường hợp. Trong đó, TP phát hiện 4.810 trường hợp; quận, huyện và xã, phường phát hiện 4.965 trường hợp. 100% ca bệnh, ổ dịch được điều tra, xử lý đúng quy định kể từ khi phát hiện, 100% các ổ dịch cũ được theo dõi và giám sát. Theo dự báo của các chuyên gia dịch tễ, năm 2015, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt là các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H5N1. Do đó, TP đã có kế hoạch chủ động ứng phó kịp thời trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh; sẵn sàng công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân; đảm bảo đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch. Đảm bảo đủ thuốc phòng, chống dịch (Kinh tế đô thị, 07/1).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định về việc thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội hiện đang đào tạo 24 mã ngành, trong đó có 18 mã ngành sư phạm, 6 mã ngành ngoài sư phạm. Theo quy hoạch, các ngành nghề đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được chia thành 2 giai đoạn với các nhóm ngành: sư phạm và quản lý giáo dục; công nghệ và môi trường; văn hóa và du lịch… UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nội vụ, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội hoàn thiện hồ sơ theo hướng bổ sung thêm ngành nghề đào tạo về quy hoạch vùng và đô thị, nông thôn. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu, trong nhóm ngành khoa học quản lý, cần bổ sung nội dung quản lý nhà nước của Hà Nội. Quyết định thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (Hà Nội mới, 04/1).
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t