Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận tổ về Dự án Luật Giá và Luật Đấu thầu (sửa đổi) (14:59 08/11/2022)


HNP - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 7/11, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ


Thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi nhằm nhấn mạnh đến vai trò, phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Sửa đổi nhằm điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong luật hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá.
 
Góp ý kiến cụ thể, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc đưa mặt hàng kiểm soát do Nhà nước định giá là cần thiết nhằm bình ổn giá, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo nguồn cung ứng, không để xảy ra đứt gãy. Đại biểu cho rằng trong quá trình quản lý, điều hành phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép vừa ổn định giá và không đứt gãy nguồn cung, trong đó, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa là ưu tiên số một, tránh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu như thời gian vừa qua.
 
Đại biểu Nguyễn Anh Trí quan tâm đến giá hàng hóa, dịch vụ y tế được quy định rõ trong Luật Giá (sửa đổi) lần này. Đại biểu cho rằng, lâu nay giá hàng hóa, dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ; việc phân cấp, phân công chưa rõ ràng, đặc biệt là đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ hoạt động. Trong khi đó, các cơ quan thẩm định và bảo hiểm y tế không có đủ kiến thức chuyên sâu về y tế nên vẫn còn những khác biệt trong việc định giá các hàng hóa, dịch vụ y tế. Vì thế, cần sớm ban hành Luật Giá (sửa đổi) để giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh hiện nay.
 
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị quy định cụ thể mức trần giá vốn trong điều kiện thiên tai dịch bệnh; bên bán phải chịu trách nhiệm trước cơ quan điều tra về mức trần lợi nhuận. 
 
Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu. Việc sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu….
 
Đại biểu Phạm Đức Ấn quan tâm Luật Đấu thầu (sửa đổi) khi cho rằng, thực tế thời gian qua, mức giá đưa ra đấu thầu và giá trúng thầu còn chênh lệch rất lớn. Thậm chí nhiều dự án chỉ định thầu lại tiết kiệm hơn so với những dự án đưa ra đấu thầu; rồi tình trạng xây dựng giá đấu thầu không sát với thực tế giá cả thị trường dẫn đến nhiều bất cập khi triển khai thực hiện. 
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phân tích 5 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, vướng mắc trong Luật Đấu thầu hiện hành, đặc biệt là các hồ sơ đấu thầu chưa chặt chẽ dẫn đến sự tùy tiện trong hồ sơ mời thầu; việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng còn mang tính hình thức nên có tình trạng “quân xanh”; rồi xảy ra tình trạng “thông thầu”. Đồng thời, chưa đặt ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong việc mời thầu nên vẫn xảy ra tình trạng một số nhà thầu không đủ tiêu chí, không đủ năng lực cũng tham gia thầu, gây ra tình trạng tiêu cực trong đấu thầu thời gian qua.
 
Dẫn ví dụ một số vụ việc xảy ra tại các bệnh viện gần đây khi nhiều người đứng đầu vướng vòng lao lý, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhiều chủ đầu tư chưa hiểu rõ các quy định liên quan đến thủ tục đấu thầu. Vì thế, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại những bất cập dẫn đến tiêu cực phát sinh trong thực tế, đặc biệt là trong mua sắm tài sản công tại các cơ quan nhà nước, giúp các cơ quan thực hiện đấu thầu hiệu quả, khách quan.
 
Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, đại biểu cũng đề nghị cần có cơ quan quản lý nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời, tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng giá thầu rất quan trọng, đại biểu cho rằng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến được tiến hành đấu thầu lặp lại ở các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố đều phải tiến hành đấu thầu theo một quy trình giống nhau, làm mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị xây dựng giá tham chiếu để giảm thủ tục xây dựng hồ sơ mời thầu, thẩm định giá...
 
Tại phiên thảo luận, các ý kiến tại Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng tán thành với sự cần thiết bổ sung quy định về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến “nơi sinh” vào trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t