Đình Nghè Kim Sơn - Di tích lịch sử và nghệ thuật (14:51 22/08/2016)


HNP - Đình Nghè Kim Sơn thuộc thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Đình gắn liền với Nghè tạo thành một quần thể di tích kiến trúc hoàn chỉnh trong một khuôn viên rộng lớn. Đình nghè Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng di tích Lịch sử và Nghệ thuật năm 1992.

Tam quan đình Kim Sơn


Theo các tư liệu thư tịch, sắc phong, thần phả, văn bia và truyền thuyết dân gian thì Đình và Nghè Kim Sơn được dựng lên để thờ thần hoàng làng là hai anh em sinh đôi Đô Công và Điền Công là những nhân vật lịch sử thời Đinh. Sau khi dẹp giặc, Đô Công và Điền Công đã lập doanh cư thực ấp tại Kim Sơn. Đình Kim Sơn được xây dựng trên một mặt bằng rộng, hướng Nam, phía trước đình là một hồ rộng. Từ ngoài vào di tích gồm các hạng mục: nghi môn, sân, đại đình và hậu cung.

 

Hồ nước rộng phía trước đình Kim Sơn

 

Đại đình làm kiểu chữ đinh với năm gian hai dĩ, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Hai bờ đầu nóc là hai đấu nắm cơm, hai bên bờ guột, bờ dải là lá hóa vân. Vì nóc kết cấu kiểu “vì quá giang” đơn giản đặt trên các cột trụ. Nền nhà đại đình lát gạch chỉ được tôn cao 1m so với mặt sân, bốn gian hồi được xây tôn cao hơn 40cm so với gian giữa để làm chỗ ngồi cho các giáp mỗi khi có lễ hội. Ở gian giữa đại đình gắn với kiến trúc là một bức cửa võng, kín cả gian với bốn chữ đại tự lồng trong khung vuông, chiếm vị trí trung tâm của kiến trúc. Chính giữa y môn là một vòng tròn lớn với những vòng xoắn thay cho mặt trời. Những vòng xoắn này là biểu hiện của ba yếu tố: thiên, địa, nhân, đó là ba lực lượng tạo nên thế giới. Kiểu tạo tác của nghệ thuật này mang giá trị lớn, giống kiểu tạo tác của ngưỡng cửa tòa tiền bái Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thế kỷ XVII). Trang trí trên y môn là những rồng, phượng xòe cánh mà đuôi phượng là những lá hóa vân, dưới là những lá đề, hoa cỏ. Dưới y môn chính giữa đại đình còn một nhang án cao vuông vức và được chạm trổ kỹ lưỡng. Nhang án được bố trí nhiều ô cân xứng, to nhỏ ken nhau trong hình thức chạm nổi, chạm bong. Thể hiện trong những ô là những đề tài hoa chanh, đồng tiền, phượng hàm thư, sóng nước, hoa cúc mãn khai, triện gấm, hổ phù, rùa cuốn thủy với những nét chạm bay bướm, phóng khoáng, quen thuộc, ít nhiều phản ánh tài năng của các nghệ nhân Việt cổ.

 

Di tích đình Kim Sơn


Hậu cung đình ba gian làm kiểu chuôi vồ, bộ khung kiểu “chồng rường”, nền được lát gạch, gian chính giữa là một bệ thờ cao hơn 1m, đặt các đồ thờ tự. Trên cùng, sâu nhất là bệ thờ với hai khám và hai bài vị thần hoàng làng. Hai ngai và hai bài vị đều có niên đại ở nửa cuối thế kỷ XVIII. Ngai được chạm thủng, chạm lộng với những rồng và vân mây, hoa cúc, hoa sen, phượng, sóng nước… cột tay ngai là hình con tiện với hai đầu rồng thời Lê. Bài vị kết nối với hình lá đề, quanh là rồng và vân mây. Chạy dọc thân bài vị là những rồng lửa, đường diềm bao quanh toàn bộ bài vị là hàng vây của sóng. Trung tâm phía trên là mặt trời tỏa đao mác điểm xuyết mây cụm…

 

Nghè Kim Sơn

 

Sát sân đình là Nghè làm theo kiểu chữ Nhị, đằng trước là ba gian tiền tế, phía sau là ba gian hậu cung đều dựng theo hướng Nam và liên hệ với nhau trong một không gian khép kín.


Tiền tế gồm ba gian đầu hồi bít đốc tay ngai, phía trước của hai bức tường hồi xây trụ biểu cao mà đỉnh trụ cũng là tứ phượng kết hình lá lật kiểu trái giành, mái lợp ngói ta. Mặt trước có ba cửa ra vào. Bộ khung đỡ mái tiền tế có kết cấu “giá chiêng chồng rường con nhị”, mỗi vì có bốn chân.


Phía sau là hậu cung ba gian. Gian giữa có bệ thờ, đặt hai bài vị Thành hoàng. Nghè nằm sát đình và cùng trên một sân sạch xung quanh là các cây cổ thụ. Toàn bộ khu đình và nghè có tường bao khép kín với một khu vườn rộng lớn.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay, đình nghè Kim Sơn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Những tấm bia đá, nhang án, những ngai bài vị có niên đại ở thời Lê; một cuốn thần phả được chép lại ghi niên đại năm Vĩnh Hựu (1736); 17 đạo sắc phong trong đó có nhiều sắc quý có niên đại sớm: Chính hòa tứ niên (1683), hai sắc Vĩnh Thịnh lục niên (1710), Cảnh Hưng nguyên niên (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Quang Trung tứ niên (1793) và Cảnh Thịnh tứ niên (1796)… ba bức đại tự, trong đó, có một bức còn ghi niên đại Cảnh Hưng thứ 6 (1745); hai đôi câu đối; hai cỗ kiệu; bát bửu có niên đại thế kỷ 18-19.

Hội làng truyền thống ở thôn Kim Sơn không chỉ tưởng nhớ công những anh hùng dân tộc mà còn là mối giao lưu văn hóa giữa các vùng, các làng có quan hệ anh em, tình nghĩa. Lễ hội truyền thống của làng thời xưa kéo dài đến 10 ngày (từ 9/3 đến 19/3), vào dịp ngày sinh của nhị vị Đại Vương - Thành Hoàng 12/3 âm lịch. Ngày nay, hội chính diễn ra vào 3 ngày (11/3 đến 13/3 âm lịch), ngày 11/3: tổ chức rước nước từ giếng Đông của làng về đình làm nước cúng trong ngày lễ và cả năm; ngày 12/3: dân làng tổ chức rước bài vị của hai Đại vương từ Nghè, nơi các vị an toạ hàng này. Đoàn rước gồm 11 khối. Trên đường đi kết hợp với đám rước của làng kết nghĩa Tô Khê rồi cùng về đình để toàn dân làm lễ tưởng nhớ công đức của hai vị và cầu mong Thành hoàng làng phù hộ độ trì cho dân làng an cư lạc nghiệp, ngày càng ấm no, hạnh phúc; ngày 13/3, ngày giã đám: tổ chức rước bài vị theo đường ngược lại từ đình về nghè và làm lễ an tọa bài vị tại tư dinh của nhị vị Thành hoàng. Ngoài ra, hội còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, đấu vật, bắt vịt và gần đây tổ chức các môn thể thao như bóng chuyền hơi, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, kéo co làm cho ngày hội làng thêm sôi động, vui vẻ.


Diệp Liên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t