Thăng Long thời Lê Trung Hưng: Đời sống xã hội (20:23 29/04/2015)


HNP - Dưới thời Lê Trung hưng, các chúa Trịnh tiến hành những đợt xây cất mở rộng kinh thành Thăng Long trong suốt thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Ngay trong khi tiến quân trở về kinh thành, Trịnh Tùng cho sửa hoàng thành, sai thợ làm cung điện, làm thành tại ở phía Tây Nam thành Thăng Long.

Toàn cảnh Đền Voi Phục (Trấn Tây) (Ảnh: Phương Anh)


Cùng với những hệ quả của việc mở rộng đô thành, sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa của Đàng Ngoài về các mặt sản xuất, trao đổi và lưu thông, là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hứng khởi của Thăng Long trong những thế kỷ XVII, XVIII.

Trước hết, sự phát triển kinh tế biểu hiện ra ở khâu sản xuất hàng hóa, với sự phồn thịnh của các làng thủ công chuyên nghiệp. Nhiều làng ở xung quanh kinh thành Thăng Long là những làng chuyên thủ công. Chúng ta có thể kể đến cụm các làng La Khê, La Cả, La Nội (Sơn Nam) dệt the lụa, Vạn Phúc (Sơn Nam) dệt gấm; Phùng Xá (Sơn Tây) dệt lụa; các làng Hương Canh, Thổ Hà, Phù Lãng (Kinh Bắc) và Đinh Xá (Sơn Nam) làm đồ gốm; các làng Đại Bái, Đề Cầu, Đông Mai (Kinh Bắc) đúc và làm đồ đồng; Đào Xá (Hải Dương) làm quạt, thợ vàng bạc ở Đồng Sâm, Đình Công (Sơn Nam), thợ tiện ở Nhị Khê (Sơn Nam), thợ sơn ở Hà Vĩ. Bình Vọng (Sơn Nam); thợ da ở làng Trúc Lâm, Phong Lâm, Văn Lâm (Hải Dương); thợ thêu ở Quất Động (Sơn Nam)... (Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XIX. Hội Sử học Việt Nam xb, H. 1993, tr. 11, 12). Ở ngay ven kinh thành Thăng Long, các trung tâm thủ công nghiệp cũng tăng cường hoạt động, như các làng gốm Bát Tràng, dệt lĩnh ở Trích Sài và Bái Ân, làm giấy ở Yên Thái, Hồ Khẩu và Nghĩa Đô.
 
Sự gia tăng sản xuất dẫn đến sự gia tăng trao đổi hàng hóa, thể hiện trong việc mở rộng mạng lưới chợ - phố. Trong thời kỳ này, thương nghiệp là ngành kinh tế phát triển nhất ở Thăng Long. Nhờ có sông ngòi thuận tiện, việc liên hệ kinh tế giữa kinh thành Thăng Long với các địa phương ngày càng chặt chẽ. Những thuyền buôn từ Thanh Hóa - Nghệ An và các trấn ở miền Nam ra kinh thành, cũng như các thuyền buôn từ mạn ngược về kinh thành, luôn luôn có hàng ngày. Việc buôn bán trên sông Hồng lúc ấy thật là nhộn nhịp. Giáo sĩ Manrini đã ở kinh thành Thăng Long khoảng đầu thế kỷ XVII, có viết lại rằng: “Sông bọc lấy thành thị (Thăng Long), trong một khuỷu rộng, nên việc buôn bán được dễ dàng, thuyền bè luôn luôn đi lại trên sông. Sông còn chia ra nhiều ngành, nhiều sông đào, rất có ích cho việc chuyên chở các hàng hóa và làm cho việc buôn bán giữa các tỉnh ngoài với kinh thành được thuận tiện” (Dẫn theo Trân Huy Liệu (Chủ biên): Lịch sử Thủ đô Hà Nội. Nxb Sử học, H. 1960, tr. 72).

Nhà buôn Baron có cửa hiệu ở Thăng Long khoảng cuối thế kỷ XVII, cũng nói về sông Hồng ở Thăng Long như sau: “Đối với kinh thành, sông này cực kỳ thuận lợi: tất cả các thứ hàng hóa đều đem tới đây, đây là nơi thâu tóm mọi hoạt động trong nước với một số lượng thuyền bè vô tận đi đi lại lại khắp nước để buôn bán” (Lịch sử Thú đô Hà Nội, Sđd, tr. 72).

Giáo sĩ Richard ở thế kỷ XVIII, cũng rất ca ngợi cảnh buôn bán sầm uất trên bến sông Hồng ở kinh thành Thăng Long: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Vơnidơ (Venise) nữa với tất cả những thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được một ý niệm về sự hoạt động buôn bán về dân số trên sông Kẻ Chợ” (Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Sđd, tr. 72).

Sông Tô Lịch lúc ấy cũng là nơi thuyền bè buôn bán ra vào tấp nập. Phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) ở ngay trên ngã ba sông Tô, sông Hồng trở nên rất sầm uất, nhiều hiệu buôn của người ngoại quốc đều tập trung ở đây. Hồ Tây khi ấy còn ăn thông với sông Tô, nên những phường ở trên bờ hồ như phường Nhật Chiêu, phường Tây Hô đều thuyền bè sầm uất.

 

Đền Bạch Mã và tượng Thần Bạch Mã - một hiện thân của Thần Long Đỗ - ở phố àng Buồm (Trấn Đông). (Ảnh: Tư liệu)
 

Sự buôn bán ở Thăng Long càng thịnh vượng thì dân số càng tăng, phố phường đông đúc. Từ đầu thế kỷ XVII, ở kinh thành Thăng Long bắt đầu có người phương Tây tới buôn bán: đông nhất là người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, người Anh, rồi dần dần người Tây Ban Nha, người Pháp. Từ đầu thế kỷ XVII, những công ty thương mại của người Hà Lan và người Anh đã lập cửa hiệu ở Thăng Long, tại phía bờ sông Hồng (gần cầu Long Biên ngày nay). Các nhà buôn Trung Quốc, Nhật Bản cũng có nhiều cửa hàng lớn ở Thăng Long.

Trong thế kỷ XVII - XVIII, Thăng Long đã là đầu mối của ít nhất hai tuyến buôn bán đường dài: Thăng Long - thượng du và Thăng Long - Thanh Nghệ. Gạo, muối từ vùng biển qua Thăng Long, đã ngược lên mạn thượng du và từ đó là xuôi về các đặc sản như kim loại (chủ yếu là đồng đỏ), trâu bò, lâm sản, gỗ và tre nứa. Từ Thanh Nghệ, các thuyền đinh lớn đi ven biển và ngược sông Hồng, sông Đáy đã đưa ra Thăng Long nhiều đặc sản, trong đó có muối, nước mắm, cá khô, quế, cau khô... để rồi lại tỏa đi các trấn vùng đồng bằng.

Đối với ngoại thương đường dài xuyên quốc gia, mặc dù có khá nhiều hạn chế do chính sách cấm đoán của nhà nước phong kiến và tính chất buôn bán một chiều bất bình đẳng (chỉ cung ứng nguyên liệu, gia công sản phẩm, chứ không trực tiếp xuất cảng hàng hóa chế phẩm) nhưng Thăng Long vào thế kỷ XVII - XVIII vẫn là đầu mối chính của các tuyến giao lưu: Thăng Long - Vân Nam (thuyền đi đến Mạn Hảo), trong việc buôn bán với miền Nam Trung Quốc, Thăng Long - Phố Hiến, từ đó các tầu thuyền ngoại quốc có thể nhổ neo đi Quảng Châu, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây. Sự xuất hiện và tồn tại trong một thời gian dài vài chục năm các thương điếm của công ty Đông Ấn của Hà Lan (1645-1699) và của Anh (1683-1697) ở Thăng Long, như một đại lý thu mua nguyên liệu và hàng hóa, đã đóng vai trò kích thích - nếu chưa phải là chủ yếu đối với nền ngoại thương vượt biển thì cũng đã có một tác dụng đáng kể - trong việc thúc đẩy các lượng hàng hoá từ các địa phương thuộc Tứ trấn (Kinh Bắc - Sơn Tây - Hải Dương - Sơn Nam) chuyển về kinh thành (Nguyễn Thừa Hỷ: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVI - XVII - XVIII. Sđd, tr. 14-15).

 

Đình Kim Liên (Trấn Nam). (Ảnh: Phương Anh)


Sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa Đàng Ngoài, mà chủ yếu là ở các trấn xung quanh Thăng Long, về các mặt sản xuất, trao đổi và lưu thông, đã là một sự hưởng ứng rất kịp thời đối với những nhu cầu mỗi ngày một tăng của Thăng Long, tạo nên nền móng cơ bản và tiền đề kinh tế để duy trì và thúc đẩy sự phồn vinh của Thăng Long tới một bước cao hơn.
 
Đời sống văn hóa-giáo dục của Thăng Long trong thời kỳ này phát triển hơn trước. Trường Quốc Tử Giám được xây dựng rộng lớn hơn và thường xuyên nhận vào lưu trú những học sinh đã thi Hương trúng tuyển bốn kỳ, gọi là Giám sinh.

Cũng có nhiều trường tư do các danh nho, danh sĩ đương thời lập nên. Một trường tư ở Thăng Long được sử sách nhắc đến nhiều là trường Hào Nam của danh sĩ Vũ Thạnh. Ông là người làng Đan Loan, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Nhà nghèo, ông bỏ quê ra Thăng Long ở chùa Báo Thiên, huyện Thọ Xương, theo học với Tiến sĩ Vũ Công Đạo. Vũ Thành thi Hương đỗ Giải nguyên, 22 tuổi đỗ Thám hoa khoa Ất Sửu (1685). Năm 1698, ông bị chúa Trịnh Căn khép vào tội nói xấu phủ Chúa, nên bị bãi chức. Về ngôi trường Hào Nam của ông, sử cũ chép: “Sau khi Vũ Thạnh đã về, dựng nhà ở phường Hào Nam dạy học, suy tìm nghĩa lý trong kinh sách, học trò có người ở xa hàng ngàn dặm cũng cắp tráp sách đến học tập. Đằng trước nhà học liền ngay với hồ, mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chỗ chứa hết, học trò thường xuyên mượn thuyền nan cặp vào bên hồ nghe lời giảng dạy. Vũ Thạnh, tính tình khoan hòa, khéo dạy dỗ những người hậu tiến, văn chương phong nhã đầy đủ, làm khuôn thước một thời. Học trò của ông nhiều người đỗ cao, làm bầy tôi danh vọng...” (Cương mục, tập II, Sđd, tr. 383). Hoặc như ở cuối thế kỷ XVIII, có trường của bà Đoàn Lệnh Khương, cháu gọi Đoàn Thị Điểm bằng cô mở tại phường Hà Khẩu (khu vực Hàng Buồm ngày nay) cũng rất nổi tiếng, mọi người gọi là bà Nữ học sư.

Việc thi cử vẫn được duy trì như các thời trước. Những kỳ thi cao cấp như thi Tiến sĩ, thi Minh kinh, thi Hoành từ, thi Đông các, v.v... đều tổ chức tại kinh thành Thăng Long. Chế độ thi ở thời Lê Trung hưng, cũng như thời Lê sơ, rộng rãi hơn thời Lý - Trần: quân lính cũng được đọc sách, được học, được thi. Vào khoảng cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII con nhà hát xướng cũng được đi thi, được làm quan.

Trong suốt thời Lê sơ rồi Lê Trung hưng sau này, khoa thi mở nhiều, học trò thi đỗ được hậu đãi, quan lại tuyển dụng nhiều, nên người ta xô nhau đi thi, xô nhau tìm cách ra làm quan. Song từ khoảng nửa sau đời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) tình trạng thi cử ngày càng đồi bại, nhất là từ thế kỷ XVII trở đi: học sinh đua nhau mang theo bài làm sẵn vào trường thi hoặc nhờ người khác làm hộ. Đa số thí sinh dùng tiền tài, dùng thần thế để được đỗ, do đấy khoa thi nào số người trúng tuyển không xứng đáng cũng tới quá nửa.

Năm 1664, Trịnh Tạc bắt tất cả các thí sinh đã đỗ từ ba khoa trước [Đinh Dậu (1657), Canh Tý (1660), Quý Mão (1663)], phải thi lại tại bãi sông Hồng trước kinh thành “lúc ấy, những người bị đánh hỏng đến quá nửa”. Nhiều năm sau cũng mở những khoa thi lại như vậy.

Năm 1750, do chúa Trịnh phải “dùng quân đánh dẹp, chi phí mất nhiều, tài dụng trong nước không đủ. Năm nào gặp khoa thi Hương thì hạ lệnh cho mỗi người nộp 3 quan tiền, sự miễn khảo hạch và đều cho đi thi, gọi là “tiền thông kinh”... Do đấy, người làm ruộng, người buôn bán, người đồ tể đều hớn hở nộp quyển đi thi.
Ngày vào trường thi, học trò giày xéo lẫn lên nhau, đến nỗi có người chết. Trong trường thi kẻ mang sách, kẻ muốn người làm gà, hành động thả cửa, quan trường cùng người gian trá như họp chợ. Phép thi như thế, thối nát quá chừng” (Cương mục, tập II, Sđd, tr. 605). Cũng từ khi có lệ nộp tiền “thông kinh”, tình trạng thi cử ngày càng nát thêm “học sinh đua nhau chạy chọt, quan trường coi thường kỷ luật, người thi đỗ phần nhiều không phải thực học”, khiến cho “sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ”. Kỳ thi Cống sĩ năm 1751, dư luận rất xôn xao về tình trạng ấy, cho nên chúa Trịnh bắt các Cống sĩ mới đỗ phải thi lại ở lầu Ngũ Long (gần hồ Hoàn Kiếm). Hơn 200 Cống sĩ bị đánh hỏng trong kỳ thi lại này.

Sự thi cử như vậy thì sự học tất yếu cũng giảm sút. Người học thời kỳ này phần lớn lao vào lối học từ chương sáo ngữ, cố đem công dùi mài đèn sách, học tập những tiểu xảo, gọt giũa văn chương từng câu, từng chữ, chỉ còn biết đến hình thức văn chương, chứ không tìm hiểu sâu về tư tưởng. Thậm chí, về sau chỉ cần học mấy bộ Tứ thư, Ngũ kinh, Tinh lý toát yếu do Bùi Huy Bích soạn lại gọi là sách Quan Hành (Bùi Huy Bích từng giữ chức Hành Tham tụng) cho dễ nhớ là đủ để thi rồi. Chính Lê Quý Đôn cũng nhận rằng: “... Các bậc tiền bối soạn sẵn từng bài, lời lẽ rắn rỏi trang nhã, bọn hậu sinh cùng nhau rập theo bản cũ, quan trường chấm thi chỉ thải bỏ bài nào thối nát mà thôi” (Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr. 93).

Do rập theo khuôn sáo cũ như thế, nên sự học được truyền bá rộng ra, số người biết chữ thông hiểu nghĩa sách theo kiểu tâm chương trích cú, học theo sách mẫu ngày một nhiều lên. Các khoa thi về sau này, số người đỗ Hương cống và Sinh đồ đông hơn, nhưng rất ít người uyên bác, và ngay đến cả số người đỗ cao ở các kỳ thi Đình tại kinh đô Thăng Long cũng ngày càng ít đi. Đem so sánh số khoa thi đời Lê là 26 khoa với số trúng tuyển Tiến sĩ là 989 người, trong đó có 18 Trạng nguyên, và đời Mạc có 22 khoa thi với số trúng tuyển Tiến sĩ 385 người trong đó có 13 Trạng nguyên, với đời Lê Trung hưng có 64 khoa chính, 717 Tiến sĩ, trong đó chỉ có 6 Trạng nguyên và một Bảng nhãn tam nguyên là Lê Quý Đôn, thì rõ ràng ngay cái chất tri thức cử nghiệp cũng sút kém rồi.

Do đó, chúng ta thấy phái nhà Nho từ Lê Trung hưng trở đi, nhất là ở thời Lê mạt, phần lớn không còn có được cốt cách thanh cao, hành vi nghĩa khí nữa.

Dưới thời Lê Trung hưng, Phật giáo lại được phục hưng ở kinh thành Thăng Long và ở cả Đàng Ngoài. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, một số khá đông các tăng từ Trung Hoa đã qua Đại Việt hành đạo. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến cho Phật giáo ở nước ta phục hưng. Hồi đó, Đại Việt đang ở vào tình trạng chiến tranh liên miên, Trịnh - Nguyễn đã bắt đầu đánh nhau ở Quảng Bình và Hà Tĩnh (1627-1672).

Sau gần một thế kỷ bị loạn lạc, đầy rẫy bạo động, đức tin của các nhà chính trị đối với Tống Nho đã bị lung lay. Nhiều sĩ phu mặc dù theo đuổi cái học Tống Nho để tiến thân nhưng trong thâm tâm họ không thật sự tin tưởng vào những điển chế của đạo này. Trong nỗi đau khổ, trong sự giằng xé của nội tâm, người ta bắt đầu quay trở về với đạo Phật, một đạo đầy lòng từ bi, bác ái. Các chúa Trịnh không phải là những người học Phật uyên thâm và có ý chí tu học như các vua Trần, nhưng đã quy hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần.

Vào thời kỳ này, nhiều thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam đến trụ trì và hoằng pháp tại Thăng Long, và vì thế, nhiều ngôi chùa nổi tiếng được trùng tu hoặc dựng lên ở đây.

Thiên sư Chuyết Chuyết, người Trung Quốc đến kinh thành Thăng Long năm 1633. Thầy trò ông có mang theo một số kinh điển sang Việt Nam. Đến Thăng Long, ông và đệ tử ở lại chùa trên núi Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp.

Thiền sư Như Trừng (1696-1733), tự Lân Giác, hiệu Cứu Sinh thượng sĩ vốn là một vị vương công họ Trịnh. Ông tên là Trịnh Thập (có sách chép là Hợp), sinh năm 1696 , con của Tấn Quang vương. Lớn lên ông được vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư cho. Ông có tư dinh tại phường Hồng Mai, huyện Thọ Xương (nay là phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội). Sau tư dinh có một đồi đất cao. Vào năm 1732, một hôm ông bảo người nhà đào hồ trên ấy để thả cá vàng, người nhà đào được một cọng sen lớn đem vào trình. Ông cho đó là điềm xuất gia, liền đổi nhà làm chùa, đặt tên là chùa Liên Tông (đến đời Thiệu Trị -1841-1848- vì kỵ húy, đổi thành Liên Phái), bắt đầu ăn chay, học đạo, ngồi thiền. Sau đó, ông dâng sớ xin xuất gia. Như Trừng là đệ tử xuất sắc vào loại nhất của Thiền sư Chân Nguyên nổi tiếng. Chùa Liên Tông (Liên Phái - nay Ở trong ngô chùa Liên Phái phố Bạch Mai - Hà Nội) là trung tâm của hệ phái do Thiền sư Như Trừng thành lập.

Chúa Trịnh cũng cho tu tạo, sửa chữa nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác ở Thăng Long như: Năm 1624, tu tạo thượng điện, tam bảo, trên đường của chùa Khai Quốc. Năm 1628, lại trùng tu nâng cấp một lần nữa và đổi tên là chùa Trấn Quốc... Vào thời kỳ này, các chúa Trịnh, nhất là Trịnh Giang và Trịnh Sâm hầu như giữ độc quyền về chùa Trấn Quốc để chơi mát và thường sen... Năm 1687, sửa chữa lại chùa Hồng Phúc (tứ chùa Hòe Nhai). Năm 1771, chúa Trịnh Sâm cho xây dựng lại ngôi chùa Đại Bi ở phường Nghi Tàm bên Hồ Tây và cho đổi tên là chùa Kim Liên…

 

Trấn Vũ Quán và tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng do Trịnh Tạc cho đúc cuối năm 1681(Trấn Bắc). Ảnh: Phương Anh


Trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII, Đạo giáo cũng được phát triển ở Thăng Long và được vua chúa tôn trọng. Năm 1680, Trịnh Tạc cho trùng tu quán Trấn Vũ (vốn được xây năm 1102  đời Lý) và cuối năm 1681 cho đúc pho tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng. Nguyên lúc mới dựng đền, tượng Trấn Vũ làm bằng gỗ, đến đây mới đúc tượng đồng thay vào. Tượng bằng đồng đen, cao 3,72 mét, nặng 4 tấn, đường chu vi phần dưới tượng đo được 8 mét. Tượng Trấn Vũ không đội mũ, để xõa tóc ra đằng sau, mặc áo đạo sĩ, chân đi đất, tay trái giơ lên bắt quyết trừ tà ma, tay phải chống kiếm xuống lưng một con rùa, trên lưỡi kiếm có con rắn leo xung quanh (rùa và rắn là biểu tượng cho thần trấn giữ phương Bắc.

Bên cạnh những tôn giáo có từ trước, tại kinh thành Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI trở đi đã xuất hiện thêm một tôn giáo nữa: Ki tô giáo, do các giáo sĩ phương Tây đưa lại. Năm 1627, Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes tới Thăng Long đã được hiệu buôn Mậu Tài cho mượn một ngôi nhà gạch để vừa ở, vừa tiếp khách, vừa làm nơi giảng đạo ông được yết kiến Trịnh Tráng và tặng cho chúa Trịnh một cái đồng hồ quả lắc có bánh xe, một hộp phấn thấm mực và một quyển sách toán pháp mạ vàng in gáy bằng chữ Nho. Trong 3 năm, ông cùng với cha Marquet, đã làm lễ tha tội cho 6.700 người. Sau đó, chúa Trịnh cho phép các giáo sĩ phương Tây được xây dựng nhà ở và nhà thờ ngay tại kinh thành Thăng Long. Riêng trong thế kỷ XVII, tại Thăng Long đã có tới 3 nhà thờ đạo Ki tô. Và từ đó trở đi, số giáo sĩ, số tín đồ Ki tô đã càng ngày càng đông, ở kinh thành Thăng Long cũng như các lộ, các trấn.

Về lĩnh vực khoa học và văn học-nghệ thuật, các hoạt động sáng tác ấn loát tại kinh thành Thăng Long vào các thế kỷ XVII, XVIII cũng diễn ra khá phong phú. Vào các năm 1665, 1676, 1775, những sử thân như Phạm Công Trứ, Hồ Sĩ Dương, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức, Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Hoàn, Vũ Miền, Lê Quý Đôn đều lần lượt được giao cho tiếp tục biên soạn quốc sử thời kỳ nhà Lê.

Những sách viết về y học trong thời kỳ này cũng có nhiều. Năm 1676, Đào Công Chánh, theo lệnh vua soạn sách Bảo sinh diên thọ tỏan yếu. Khoảng đầu thế kỷ XVIII, Trần Hải Yến, người Thăng Long, biên soạn bộ Y truyền chỉ yếu. Cũng trong thế kỷ XVIII, chùa Hồng Phúc (chùa Hòe Nhai) ở Thăng Long đã in mấy bộ sách thuốc như Nam dược thần hiệu, Hồng Nghĩa giác tư y thư của Tuệ Tĩnh. Năm 1777, Nguyễn Thế Lịch dâng vua 2 bộ sách thuốc là Tiểu nhi khoa và Thai tiên đầu dưỡng phương pháp. Cuối thế kỷ XVIII, có danh y Lê Hữu Trác biệt hiệu là Hải Thượng Lãn ông được chúa Trịnh vời về Thăng Long chữa bệnh. Ông có soạn bộ sách thuốc nổi tiếng là Hải Thượng y công tâm lĩnh. Trong thời kỳ này, đặc biệt là trong thế kỷ XVIII, những thơ văn (chữ Hán) ngâm vịnh về Thăng Long cũng như những sách vở ghi chép về Thăng Long có nhiều hơn các thời trước, như các tập thơ: Thăng Long thập vịnh, Tây Hồ bát vịnh (khuyết danh), La Thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm... các sách Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ

- Nguyễn Án, v.v... Đa số giàu tính hiện thực, đã ghi lại rất cụ thể về người, cảnh, sự kiện của đất kinh đô.

Những nghệ thuật như ca, nhạc, vũ, tuồng, chèo rất phổ biến trong  thời kỳ này và triều đình Lê - Trịnh ở Thăng Long cũng rất chú ý. Samuel Baron (một người Hà Lan lai Việt là nhà buôn từng ở Thăng Long thời gian cuối thế kỷ XVII) có ghi lại sự phát triển của những nghệ thuật ấy ở Thăng Long vào thế kỷ XVII trong cuốn Description du Royaume du Tonquin (Mô tả xứ Đông Kinh) của ông và ông có nhờ một người Việt Nam đương thời vẽ lại những cảnh nhảy múa của người Việt Nam bấy giờ vào trong sách. Theo Baron, thì những trò chơi giải trí như đánh cầu, chọi gà, bơi thuyền thi, v.v... cũng rất thịnh hành ở thế kỷ XVII (Lịch sử Thủ đô Hà Nội Sđd, tr. 78).

Cuối cùng nói vài nét vẻ văn học chữ Nôm của thời Lê mạt tức thế kỷ XVIII. Đây là thời kỳ suy vi của chế độ phong kiến nhưng lại là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của văn Nôm, nhất là truyện thơ, một thời kỳ văn học mang đậm tính nhân văn. Đã nở rộ những tác phẩm lên tiếng bênh vực cho quyền sống, cho hạnh phúc lứa đôi, cho tài tình và tự do của con người. Thăng Long đã là nơi khởi phát thực sự của dòng văn học đó. Mở đầu là tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, dẫn đến các bản dịch của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Phan Huy ích... Tiếp theo là Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Sơ kính tân trang của Phạm Thái và nhiều áng văn thơ khác, ví như thơ Hồ Xuân Hương. Nhà nghiên cứu văn học cổ cận Trần Thị Băng Thanh rất tinh tế khi viết những dòng sau: “Khác với thơ văn ngôn chí của các thế kỷ trước nói những điều cao cả, những vấn đề xã hội lớn lao, ở đây hạnh phúc lứa đôi, gia đình, tình yêu trai gái, đời sống tình dục được thẳng thắn đặt ra. Các tác giả không coi đó là những điều riêng tư “đáng xấu hổ”, những ham muốn thấp kém đáng chê trách mà coi đó cũng là một lý đương nhiên:

 

Có âm dương có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê
(Cung oán ngâm)


Người phụ nữ được phép lên tiếng đòi hạnh phúc ái ân, đòi được sống cảnh vợ chồng sum họp trong yên bình “giữ gìn nhau vui thuở thanh bình” (Chinh phụ ngâm). Ở những tác phẩm này hạnh phúc lứa đôi, tình yêu trai gái là vấn đề trung tâm, nó được phép xem trọng hơn mọi vấn đề khác. Trong Chinh phụ ngâm mặc dù có nhắc đến nghĩa vụ người hào kiệt, có mong ước công danh, song bao trùm toàn tác phẩm là nỗi mong nhớ chồng, sự khát khao sum họp cùng chồng của người vợ trẻ. Hạnh phúc lứa đôi đối với tuổi trẻ, với cuộc đời còn quan trọng hơn nhiều bổng lộc, danh vị:
 

Lúc ngỏ anh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
 

Chàng Phạm Kim trong Sơ kính tân trang còn cực đoan hơn một bậc. Khi tình yêu tan vỡ, người yêu chết oan khuất chàng đã từ bỏ luôn cả con đường lý tưởng để tìm đến nương nhờ cửa Phật. Chàng Phạm Kim ngang dọc với chí làm trai thực sự đã “chết” cùng cuộc tình dang dở của chàng. Đó là điều đạo đức phong kiến không cho phép nhưng đó lại là sự thắng thế của quan điểm nhân văn đối với những trói buộc của Nho giáo khi nó đã rơi vào thời kỳ suy thoái.

Tuy nhiên, tiếng nói đấu tranh dữ dội, quyết liệt nhất cho hạnh phúc ái ân, nhục cảm phải là tác phẩm Cung oán ngâm khúc. Ở đây người cung nữ đã để mối quan tâm duy nhất, sự khát khao duy nhất của mình vào hạnh phúc ái ân. Đối với nàng sơn hà xã tắc, cơ nghiệp quân vương chẳng có gì quan trọng, công danh, bổng lộc... đều chỉ là trò trẻ, đều bấp bênh, chỉ đem lại cho người ta những nhọc nhằn, khổ đau:

 

Gót danh lợi bộ cha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu...


Chỉ có hạnh phúc ái ân là hiện hữu, là có thật:


Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Bóng dương lồng bóng trà mi trập trùng
Liều thược dược mơ mòng thụy vũ
Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu.


Hạnh phúc ấy cũng “thiêng liêng”, ngoài tầm với của con người:


Dẫu mà ai có nghìn vàng,
Đố  ai mua được một tràng mộng xuân

 

Đến Hồ Xuân Hương thì chỉ nói những bài thơ nôm đã truyền tụng bấy nay cũng đã thấy sự “nổi loạn” của bà. Chống nam quyền, chống thần quyền, coi thường tất cả vua quan quân tử, dám nói thẳng ra sự đòi hỏi quyền sống của người phụ nữ nhất là cuộc sống lứa đôi.

Một điều đặc biệt nữa của văn học thế kỷ XVIII là đã đóng góp vào văn học nước nhà những thành tựu rất to lớn về nghệ thuật. Thể loại mới - viết bằng tiếng mẹ đẻ - là thể song thất lục bát ra đời và đạt đến đỉnh cao. Nó đánh dấu sự trưởng thành của ngôn ngữ tiếng Việt, của tư duy thơ và sự phát triển, đổi mới quan niệm thẩm mỹ.


Theo thanglonghanoi.gov.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t