Cần nâng cao chất lượng hàng Việt Nam để lấy lòng tin của người tiêu dùng (16:28 16/07/2020)


HNP - Sáng 16/7, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2020; triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng BCĐ Cuộc vận động thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UB MTTQ TP Nguyễn Lan Hương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Để phát triển thương mại, bình ổn thị trường, 6 tháng đầu năm 2020, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục 5 chợ đầu mối, 5 Trung tâm mua sắm, bán buôn và 1 trung tâm logistics kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thành phố năm 2020. Đến nay, Thành phố có 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, khoảng 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động. Trong dịp Tết Canh Tý, toàn Thành phố có 981 địa điểm mở cửa bán hàng trong ngày mùng 1, 2, 3 và mùng 4 Tết; Tổ chức thành công Hội chợ nông sản thực phẩm Tết và nhiều điểm bán hàng để đảm bảo bình ổn thị trường, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
 
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, BCĐ Cuộc vận động Thành phố và các quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền các cấp chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19, khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước gắn với thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Công thương triển khai nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ, liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành. Điển hình là tổ chức thành công Lễ khai mạc chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2020 với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm”. Trên 600 doanh nghiệp tham gia đăng ký hưởng ứng Chương trình với gần 800 chương trình khuyến mại, tổng giá trị khuyến mại lên tới 1.200 tỷ đồng với hạn mức giảm giá lên tới 70%. 
 
Về việc triển khai chương trình bình chọn ”Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020, tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, đối tượng được bình chọn gồm 12 nhóm ngành hàng: Ngành hàng tiêu dùng; sản phẩm công nghiệp; xây dựng, trang trí nội thất; dược phẩm, hóa mỹ phẩm; giáo dục - đào tạo; thủ công mỹ nghệ; hàng nông sản thực phẩm; các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); dịch vụ ngân hàng; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; truyền thông, viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển của các doanh nghiệp, hợp tác xã (bao gồm cả sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có xuất xứ tại Việt Nam)… các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình ưu tiên các sản phẩm của doanh nghiệp có đề tài, sáng kiến được thành phố công nhận hoặc sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng; được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP… 
 
Dự kiến, lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” gắn với kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, biểu dương các điển hình tiên tiến được truyền hình trực tiếp trên kênh 1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Địa điểm diễn ra lễ tôn vinh và các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam, dự kiến tổ chức tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
 
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về việc triển khai cuộc vận động. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cương công tác truyền thông để người dân hiểu hơn về chương trình và tích cực tham gia ủng hộ. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động giao thương, kích cầu tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường nội địa trong thời gain dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp…
 
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hồi phục và phát triển kinh tế, vừa tiếp tục phòng dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị. CVĐ cần thay đổi theo hướng người Việt Nam tự hào với sản phẩm hàng hóa Việt Nam, cùng với đó doanh nghiệp phải có trách nhiệm nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị để hoạt động theo hướng thực chất hơn.
 
Để tiếp tục triển khai hiệu quả CVĐ, Ban Chỉ đạo CVĐ thành phố đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, các đơn vị thành viên và BCĐ các quận, huyện, thị xã tập tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cuộc vận động; Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, sản phẩm OCOP, mô hình làng nghề, sản phẩm du lịch…; đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình, tôn vinh tổ chức, cá nhân, sản phẩm được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t