Bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã: Nhiều chuyển biến rõ nét (13:01 28/05/2019)


HNP - Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học, công tác bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã đã thu được nhiều kết quả rõ nét. Không những làm tốt công tác tiếp nhận, chăm sóc, chữa trị, bảo tồn động vật dã quý hiếm, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Khi pháp luật đi vào cuộc sống

Ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, kể từ khi Luật Đa dạng sinh học đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn chú trọng quan tâm đến công tác bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã. Ngoài ban hành các văn bản triển khai quy định của pháp luật, công tác phổ biến, tuyên truyền triển khai Luật Đa dạng sinh học được triển khai thường xuyên, liên tục và có sức lan tỏa sâu rộng thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã…

Đáng nói, được giao nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập; quan hệ trong nước và quốc tế phục vụ việc nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2), Trung tâm Cứu hộ động vật Hoang dã Hà Nội đã thực hiện tốt công tác cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Trong 10 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân chấp hành các quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã. Đi đôi với công tác tuyên truyền, trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng thành phố đã cấp mới và đổi giấy chứng nhận gây nuôi sinh trưởng động vật hoang dã 479 giấy chứng nhận để các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của Nhà nước.

Chưa hết, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã tổ chức phối hợp tốt với các tổ chức trong nước và quốc tế về công tác cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chuyển giao cho các cơ quan khoa học phục vụ nghiên cứu, các khu du lịch, liên đoàn xiếc thu nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Trung tâm cũng đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ. Cụ thể, trong công tác tiếp nhận, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận tổng số 753 vụ với trên dưới 100 loài, gồm: 10.472 cá thể động vật hoang dã và hơn 1.231kg rắn các loại. Trong đó có nhiều loại động vật nguy cấp, quý hiếm tiếp nhận từ các cơ quan chức năng trên cả nước bắt giữ, tịch thu trong quá trình buôn bán, vận chuyển trái pháp luật hoặc do người dân tự nguyện giao nộp hiến tặng…

Ngoài ra, thời gian qua, các cơ quan chức năng thành phố đã thực hiện hiệu quả công tác nhân nuôi sinh sản và tái thả, chuyển giao động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Cụ thể, đã tổ chức nhân nuôi, sinh sản thành công 79 cá thể động vật hoang dã các loại (trong đó có 26 cá thể hổ; 1 cá thể vượn đen má trắng là loài đặc biệt quý hiếm). Tổ chức tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau cứu hộ 27 đợt với 2.512 cá thể và 110,5kg rắn các loại tại: Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Binh), Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) Vườn quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh); tổ chức chuyển giao 63 đợt với 1.157 cá thể cho các vườn thú, trung tâm bảo tồn, cơ quan khoa học; phục vụ nghiện cứu, tham quan, học tập giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ các loài động vật hoang dã…

Khắc phục những bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì tình trạng vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó, có công tác bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra một số hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép, làm giảm nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học... Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học của người dân chưa cao, nhất là các khu vực vùng núi, nông thôn và khu vực vùng đệm các khu bảo tồn. Các văn bản pháp luật về đa dạng sinh học cũng còn thiếu, nhiều bất cập và chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính…

Nguồn tài chính cho nhiệm vụ trên cũng hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, kinh phí chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (khoảng 1% ngân sách nhà nước). Trên thực tế, nguồn lực tài chính đầu tư cho đa dạng sinh học còn hạn hẹp nên không đủ để triển khai các hoạt động bảo tồn…

Bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ hệ sinh thái. Vì vậy, đi đôi với triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cứu hộ động vật hoang dã phối hợp với các cơ quan liên quan, thúc đẩy việc giải quyết nhanh các vụ liên quan đến động vật hoang dã, bảo đảm chất lượng công tác cứu hộ, việc tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Thông qua công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trước tình trạng suy giảm động vật hoang dã do việc sử dụng không bền vững.

Được biết, sau tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét sớm trình, ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về đa dạng sinh học. Trong đó, hướng dẫn trình tự, thủ tục đưa loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả ra nơi sinh sống tự nhiên của chúng; quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND cấp tỉnh. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi đối với những tổ chức tham gia các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học…


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t