10 năm phát triển "tam nông" vùng dân tộc thiểu số Hà Nội:


Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ (16:22 10/08/2018)


HNP - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn "tam nông" vùng dân tộc thiểu số, trên địa bàn TP Hà Nội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những thay đổi căn bản, góp phần cải thiện nâng cao đời sống người dân.

Không còn xã đặc biệt khó khăn

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương, có thể nói, vùng dân tộc thiểu số của Hà Nội đã đổi thay căn bản, nhất là hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế... được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác xóa đói giảm nghèo cũng đạt kết quả tốt, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từng bước cải thiện. Đến nay, thành phố không còn xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 7/14 xã vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn bản vùng dân tộc được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đến nay, 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa. Về tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 100%; 100% thôn, bản vùng dân tộc có điện lưới quốc gia, 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đáng phấn khởi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố đã đạt khoảng 28,5 triệu đồng/người/năm (năm 2008 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đạt 6,7 triệu đồng/người/năm), có xã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn dưới 8% theo tiêu chí mới.

Từ nguồn lực của thành phố, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, nhất là công trình hồ, đập, kênh mương tại các xã vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên đầu tư xây dựng mới đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 66,7% diện tích đất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông lâm nghiệp, đồng thời góp phần làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Đến nay, đồng bào dân tộc thủ đô đã được tiếp cận sử dụng giống mới và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên bước đột phá về năng suất. Chưa hết, được sự quan tâm của thành phố, tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả giúp người dân làm giàu tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên, khối đại đoàn kết được tăng cường, an ninh chính trị được đảm bảo, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, đồng bào dân tộc tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Thách thức cần vượt qua

Bên cạnh kết quả đạt được, trong phát triển "tam nông" vùng dân tộc thiểu số của thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần sớm vượt qua. Chẳng hạn như, sản xuất nông nghiệp chưa có sự đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, mà phổ biến vẫn là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Một số sản phẩm hàng hóa do đồng bào dân tộc thiểu số làm ra khó tiêu thụ. Đời sống vật chất và tinh thần của người một bộ phận dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố, dẫn đến sự chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn. Mặt khác, trình độ dân trí của người dân cùng dân tộc thiểu số không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ còn khó khăn, năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm.

Thực hiện các kế hoạch của thành phố đã có hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách đầu tư vùng đồng bào dân miền núi của Thủ đô. Ngoài ra, các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh phí 101 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Tuy vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, thủy lợi vẫn chưa đáp ứng được nhu cấu phát triển trong tình hình mới của các xã vùng đồng bào thiểu số.

Để khắc phục hạn chế trên, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cần tiếp tục huy động đa dạng hóa các nguồn lực, lựa chọn nội dung, mức độ phù hợp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu. Cùng với đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Về phía bộ, ngành trung ương cũng cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Còn các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng để nâng cao nhận thức cho mọi nhân dân về "tam nông"...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t