Hà Nội: Thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt khoảng 28,5 triệu đồng/người/năm (11:31 08/08/2018)


HNP - Kết quả rà soát tình hình chung về kinh tế, xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này đạt khoảng 28,5 triệu đồng/người/năm.

Qua rà soát, hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số TP Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng thôn bản tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện là: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức với khoảng 53.000 người, chiếm khoảng 57,4% người dân tộc thiểu số trong toàn thành phố, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao.

Thực hiện các chính sách của thành phố, cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã đạt kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm... được quan tâm đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người và đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành phố đạt khoảng 28,5 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm; không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Đáng nói, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của thành phố được tiếp tục duy trì ổn định. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các địa phương quan tâm, đồng bào tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.

Tuy nhiên, cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô vẫn còn khó khăn do: Cách xa trung tâm, dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí thấp; kinh tế phát triển chậm; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi và nước sinh hoạt; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa đồng bào dân tộc miền núi và đồng bào vùng đồng bằng, đô thị còn cao, đó chính là những nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số còn phát triển chậm. Vì vậy, rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện hỗ trợ giúp cho đồng bào hạn chế khó khăn, giảm nghèo bền vững, phát huy những tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương để phát triển kinh tế nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t