Di dời cơ sở ô nhiễm môi trường khỏi nội đô: Cần phải quyết tâm (15:01 14/11/2016)


HNP - Sau 3 năm thực hiện Luật Thủ đô về các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch trên địa bàn thành phố đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Song đến nay, tiến độ còn chậm và nhiều bất cập, nhất là việc thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô khó khăn khiến cho hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông Thủ đô ngày một quá tải vì sức ép gia tăng dân số cơ học.

Thực hiện Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg, về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Theo đó, phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung.
Đến nay, Hà Nội đã bố trí địa điểm cho 8 bệnh viện, 1 cơ sở giáo dục đại học, 9 cơ quan bộ, ngành Trung ương, nhưng đến nay việc di dời vẫn rất chậm. Một số cơ quan đơn vị đã thực hiện triển khai di dời, song quỹ đất sau di dời lại được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao quỹ đất sau di dời cho TP Hà Nội quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết, đây chính là lý do mà Hà Nội ngày một tăng sức ép dân số cơ học, hạ tầng thì thiếu, yếu, phát triển quy hoạch chậm. Đơn cử đã có 8 cơ sở bệnh viện đã, đang di dời như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện mắt Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương… nhưng đều vẫn sử dụng cơ sở cũ ở nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất cho thành phố. Tương tự, thành phố đã bố trí đất phục vụ di dời 9 cơ quan của Trung ương, nhưng cũng không bàn giao cho TP Hà Nội, mà có đến 7 cơ sở giữ lại làm trụ sở hoặc giao cho cơ quan chủ quản quản lý, 2 cơ sở được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án nhà ở, văn phòng thương mại cao tầng.

Giám sát về thực hiện quy hoạch theo Luật thủ đô mới đây, nhiều thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố băn khoăn, trong Luật Thủ đô không cho phép mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có, nhưng  thành phố vẫn giải quyết cho một số cơ sở bệnh viện nằm trong diện phải di dời khỏi nội đô cải tạo, chỉnh trang; diện tích di dời một số cơ quan phải dành cho hạ tầng xã hội, nhưng thành phố lại đồng ý cho chủ trương xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Đều này đã làm gia tăng dân số cơ học, thành phố lại chạy đua với phát triển hạ tầng xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Lý giải vấn đề trên, các phòng chuyên môn thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, rất khó khăn trong việc di dời các bệnh viện, bởi trước nhu cầu khám chữa bệnh, Sở nhận được 6 đề xuất của 6 bệnh viện chuyển cơ sở hiện có trong nội thành, thành cơ sở nghiên cứu hoặc trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao. Đối với công tác lập quy hoạch sau thu hồi đất, Sở cũng đã tham mưu lập quy hoạch những nơi di dời thành các trường học mầm non, song thực tế đến nay cũng còn vướng, vì cơ quan, đơn vị họ mới di dời một phần, chưa di dời hết.

Trưởng Ban đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở theo Quyết định của Thủ tướng thì không có hạ tầng nào có thể đáp ứng được với sự gia tăng dân số cơ học như hiện nay. Bởi chỉ tính thời điểm tháng 9/2010, Hà Nội có tổng số hơn 320.000 xe ô tô và 2,9 triệu môtô, xe máy; thì đến tháng 9/2016 gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô đăng ký trên địa bàn Hà  Nội, chưa kể nhiều xe ngoại tỉnh hoạt động lưu thông trên địa bàn tăng gần gấp 2 lần. Điều này đã gây áp lực rất lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và hoạt động quản lý phương tiện giao thông vận tải của Thủ đô. Dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nhất là vào khung  giờ cao điểm, các dịp lễ, tết, trên các trục đường vành đai. Điều đó cho thấy, công tác quản lý giao thông chưa đạt được mục tiêu chung mà Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của HĐND thành phố đặt ra.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, tới đây, Sở sẽ tham mưu cho thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, trong đó kiến nghị với Chính phủ bố trí nguồn lực để phục vụ công tác di dời, đồng thời ban hành cơ chế tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu qủa. Mong rằng, ngoài việc Sở phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong triển khai di dời, thì các đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố cùng vào cuộc để kiến nghị Quốc hội thúc đẩy các bộ ngành thực hiện công tác di dời theo quy định.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t