Tập trung nguồn lực cho 5 huyện và 14 xã chưa “về đích” nông thôn mới (20:39 23/04/2021)


HNP - Chiều 23/4, ngay sau Hội nghị học tập, quán triệt 10 Chương trình công tác của Thành ủy, với tinh thần khẩn trương, tích cực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý I, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị


Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thị xã.
 
12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
 
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, trong quý I, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đã tập trung tham mưu xây dựng để Thành ủy ban hành Chương trình 04-CTr/TU vào ngày 17/3/2021, đồng thời kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng nông thôn mới tại 4 huyện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở để hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch.
 
Kết quả, toàn Thành phố có thêm 5 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn) được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 12/18 huyện, thị xã. Riêng huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét. Với 5 huyện còn lại, có 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021; 2 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022. 
 
Về xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, trong quý I/2021, Thành phố đánh giá và công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 368/382 xã (chiếm 96,3%) và 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng huyện Đan Phượng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trong năm 2021 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với 14 xã còn lại chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới (5 xã của huyện Mỹ Đức và 9 xã của huyện Ba Vì) đến nay đều đạt từ 15-19 tiêu chí và phấn đấu trình Thành phố xem xét, thẩm định trước 30/9/2021.
 
Toàn Thành phố cũng có 141 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp của Thủ đô. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn Thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt chỉ tiêu đề ra (trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao và 306 sản phẩm 3 sao).
 
Cũng trong quý I, toàn Thành phố huy động trên 9.441 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách với tổng số tiền 199 tỷ đồng...
 
Nâng thu nhập bình quân của người nông dân lên 60 triệu đồng/năm
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành, các đơn vị và kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU trong quý I/2021. Tuy vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng lưu ý, một số địa phương sau khi đạt chuẩn nông thôn mới có “tư tưởng bằng lòng” với kết quả đạt được. “Đây là vấn đề cần tuyệt đối tránh và phải được quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân”, đồng chí nêu rõ.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị
 
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ nay đến cuối năm 2021 còn rất nặng nề, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tập trung mọi nguồn lực và quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện và 14 xã chưa “về đích” xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mê Linh tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021. Đối với huyện Ba Vì và Mỹ Đức, phải đánh giá kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ công nhận nông thôn mới đối với 14 xã, trình Thành phố trong tháng 9/2021.
 
Đặc biệt, đối với các huyện và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục rà soát kết quả các tiêu chí để thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. “Thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025, có 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu như chỉ tiêu đã được Chương trình 04-CTr/TU xác định”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
 
Song song với xây dựng nông thôn mới, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy kinh tế trang trại. Thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề có thế mạnh phát triển kết hợp với du lịch nông thôn... thông qua đó nâng cao thu nhập, đời sống nông dân một cách bền vững, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/năm.
 
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu Sở NN&PTNT sớm thống nhất với các sở, ngành và Bộ NN&PTNT để báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế, sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của Quốc gia” tại thành phố Hà Nội. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng mô hình thí điểm về xử lý chất thải, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Sở Xây dựng sớm nghiên cứu phương án đưa nước mặt sông Đà về các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức để nâng cao tỷ lệ cấp nước cho người dân nông thôn. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố tổng hợp các kiến nghị của địa phương để tham mưu cho Ban Chỉ đạo giao các sở, ban, ngành Thành phố tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t