Ngành Nông nghiệp đứng trước thời cơ lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu (21:38 24/12/2020)


HNP - Chiều 24/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có 12 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng là Bộ trưởng các Bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Về phía Bộ NN&PTNT có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các Thứ trưởng. Tham dự Hội nghị còn có 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền dự tại điểm cầu Thành phố Hà Nội.
 
GDP toàn ngành Nông nghiệp tăng trưởng 2,65%
 
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: thiên tai khốc liệt, đặc biệt là lũ lụt khu vực miền Trung; dịch bệnh trên gia súc; dịch bệnh Covid-19… đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Nhờ đó, giá trị sản xuất toàn ngành dự kiến tăng 2,75%, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%. GDP toàn ngành tăng trưởng 2,65%.
 
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực duy trì công tác đàm phán, mở cửa thị trường, tạo điều kiện và tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó, có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi đã dần được khống chế, hạn chế thiệt hại cho sản xuất. Đến nay, cả nước đã có trên 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi. Tính đến tháng 11/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 115,5% so với thời điểm 1/1/2020. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 dự kiến đạt 3,46 triệu tấn, tăng gần 4% so với năm 2019.
 
Cùng với đó, trong năm 2020, đã có 17 dự án đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản, với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 04 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019.
 
Về xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 5.506 xã (chiếm 62% số xã cả nước) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 8% so với cuối năm 2019. Có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (tăng 0,72 tiêu chí so với năm 2019).
 
Hà Nội phấn đấu tiếp tục giữ mức tăng trưởng trong nông nghiệp trên 4%
 
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Mặc dù ngành nông nghiệp Thủ đô cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự vào cuộc tích cực của người dân, năm 2020, ngành đã đạt được những kết quả nổi bật, như: Tăng trưởng ước đạt 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ một số ngành kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn Thành phố ước đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác đạt 280 triệu đồng/ha. 
 
Về xây dựng NTM, năm 2020, Thành phố dự kiến có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ huyện đạt chuẩn NTM là 13/18 huyện, thị xã (chiếm 72,2%), xã đạt chuẩn NTM là 370/382 xã (chiếm 96,6%); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2019. Dự kiến đến hết năm 2020, Thành phố phấn đấu đánh giá, phân hạng được khoảng 1.000 sản phẩm OCOP (trong đó riêng năm 2020 là 700 sản phẩm).
 
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2021 và trong giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian vừa qua; Bộ NN&PTNT phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế.
 
Bên cạnh đó, để triển khai các quy hoạch phân khu đô thị liên quan đến sông Hồng, sông Đuống, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất với Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Thành phố phê duyệt trước "Phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội" và "Phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội" sau đó tích hợp vào Quy hoạch chung của Thành phố.
 
Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến ngành Nông nghiệp vô cùng nặng nề, nhưng ngành NN&PTNT đã có một năm đầy bản lĩnh và đạt được thắng lợi toàn diện. Trước những khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta. Nhất là dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiều quốc gia có nhiều người bị đói thì nông nghiệp Việt Nam đã bảo đảm an ninh lương thực trong nước, đồng thời, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia. Xuất khẩu nông nghiệp đạt con số rất cao, đặc biệt là xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đã đứng đầu thế giới về giá bán. Thủ tướng nhấn mạnh, Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định ngành Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
 
Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỷ USD, tôm 3,66 tỷ USD, rau quả 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%). 
 
Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả ngành Nông nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; việc xây dựng NTM đạt nhiều hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư công nghệ cao vào sản xuất…
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại như: Tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là khi Việt Nam đang là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu; Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu; Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; Tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra; Một số chỉ tiêu ngành Nông nghiệp đề ra vẫn chưa thực hiện được.
 
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp Bộ NN&PTNT đưa ra. Đồng thời nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp đang thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở rộng với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP. Do đó, toàn ngành phải nỗ lực, cố gắng để đạt tăng trưởng ở mức 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD. 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu ngành NN&PTNT tăng cường việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t