Bộ Y tế làm việc với UBND TP Hà Nội (20:38 03/04/2018)


HNP - Chiều 3/4, UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa hai bên. Các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Toàn cảnh hội nghị


Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội với 37.651 ca mắc; 7 trường hợp tử vong. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế, nên từ giữa tháng 11 dịch đã được khống chế. Các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt, số ca mắc giảm so với năm 2016.

Ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã chủ động công tác phòng dịch; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường khử khuẩn, chủ động phòng bệnh tay chân miệng ở hơn 1.300 trường mầm non; chủ động phòng dịch sốt xuất huyết; ký cam kết phòng dịch giữa Sở Y tế với các quận, huyện, thị xã; nghiêm túc thực hiện giám sát dịch. Tính đến hết tháng 3/2018, hầu hết các dịch bệnh có số mác giảm so cùng kỳ… 

Trong công tác khám chữa bệnh, số lượt khám chữa bệnh hàng năm ở Hà Nội là từ 5,8 đến 6,4 triệu người. Năm 2018, Hà Nội đặt kế hoạch có 11.010 giường bệnh. Cơ bản không còn tình trạng nằm ghép. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ ở một số nơi như: khoa Sơ sinh, Nội - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; khoa Ngoại - Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Phụ sản…

Ngoài ra, nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân, năm 2017, Sở Y tế đã tổ chức khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, nhân viên y tế. Kết quả, 84,2% bệnh nhân điều trị ngoại trú đánh giá hài lòng và rất hài lòng; 91,36% bệnh nhân nội trú hài lòng và rất hài lòng… 

 

Đáng chú ý, Hà Nội đã chú trọng quản lý chất lượng các bệnh viện, phát triển chuyên sâu nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương. Đến nay, đã có 5 bệnh viện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên là các bệnh viện: Tim Hà Nội, Hòe Nhai, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội. Năm 2018, sẽ có thêm 13 bệnh viện tự chủ; 16 bệnh viện còn lại sẽ thực hiện trong năm 2019. Công tác y tế cơ sở của Hà Nội cũng được đổi mới, với 103 phòng khám bác sỹ Gia đình được thành lập; triển khai lập hơn 2,4 triệu hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; tầm soát ung thư đại tràng cho 130.000 người trên 40 tuổi (dương tính 5,2%).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao ngành y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, nâng cao cơ sở hạ tầng cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống sốt xuất huyết, thực hiện công tác khám chữa bệnh nâng cao sức khỏe người dân và tầm soát ung thư... Về kiến nghị của Hà Nội đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo bác sỹ nội trú cho Hà Nội từ 25 chỉ tiêu/năm lên 50 chỉ tiêu/năm, cho phép bênh viện hạng I là cơ sở đào tạo bác sỹ nội trú, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong tổ chức bộ máy, Hà Nội không thiếu nhân lực về bác sỹ nhưng thiếu bác sỹ đầu ngành có chuyên môn giỏi. Vì vậy, nếu trường nội trú quá tải thì có thể chuyển sang đào tạo nội trú tại bệnh viện.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, liên quan đến vấn đề thiếu bác sỹ y tế dự phòng, đề nghị TP Hà Nội xây dựng dự án để cùng các cơ quan liên quan của Bộ Y tế tạo được đột phá về nguồn lực bác sỹ dự phòng trong thời gian sắp tới. Riêng về nhân lực ở trạm y tế xã, Bộ Y tế hướng tới đào tạo bác sỹ gia đình. Về hạ tầng, Hà Nội có nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư, vì vậy, khuyến khích đầu tư tư nhân hay kết hợp đầu tư công và tư… Đặc biệt, nhằm nâng cao sức khoẻ người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Hà Nội làm mẫu 4 mô hình về: trạm y tế đạt chuẩn (tương tự mô hình của Singapore về trạm y tế xã phường đạt chuẩn, đặc biệt là làm mẫu mô hình bác sỹ gia đình); trung tâm phân phối thuốc; chất lượng bệnh viện; về chương trình sữa học đường để nâng cao chiều cao, sức khỏe... 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Công tác chăm sóc sức khỏe là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát triển kinh tế-xã hội của TP Hà Nội. Về ý những kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận và tiếp thu, trong đó, Thành phố sẽ triển khai ngay để sắp xếp lại các trung tâm y tế, quán triệt với các quận, huyện để sắp xếp gọn, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, xây dựng quy chế, quy trình, phối hợp chỉ đạo giữa Thành phố và quận, huyện cũng như của Sở Y tế và các, quận, huyện để công tác y tế bảo đảm hiệu quả nhất.

Thời gian tới, Thành phố sẽ hoàn thành 24 trạm y tế xã, phường để bảo đảm 584 xã phường đều có trạm y tế. Tuy nhiên, một số quận, huyện đã có bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện của Trung ương, do đó, việc xây dựng các trạm y tế cơ sở cần tính toán để vận dụng cho phù hợp trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế. Lãnh đạo Thành phố cũng cho biết: Hà Nội đang thực hiện 3 giải pháp nhằm chống quá tải bệnh viện, theo đó là sắp xếp lại khoa, phòng tại bệnh viên Xanh pôn, Thanh Nhàn...; tăng số giường; cho thí điểm mô hình cơ chế tư nhân liên doanh như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Đối với công tác xây dựng trạm y tế mẫu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ Thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, trong quá trình chọn bệnh viện mẫu, Hà Nội đã hợp tác với một số bệnh viện của của Pháp để khảo sát và kết quả cho thấy vấn đề của Hà Nội không phải là trình độ bác sỹ, y tá, điều dưỡng mà là do quy trình khám chữa bệnh chưa rõ ràng, cơ sở vật chất chưa đồng bộ... Vì vậy, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng quy hoạch ngành Y tế.


Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t