Tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng:


Bài 2: Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến (10:43 29/12/2017)


HNP - Công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến là một trong những trọng tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, được Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong công tác ban hành chủ trương, chương trình, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng…

13 năm qua, Ban Thi đua Khen thưởng đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến; ký kết chương trình phối hợp; phát hiện, giới thiệu các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để tuyên truyền; phối hợp xây dựng nội dung chuyên đề về thi đua, khen thưởng… Các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đã xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, điển hình là: Báo Nhân dân với chuyên mục “Gương sáng, việc hay Hà Nội”, “Người tốt, việc tốt”, “Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân”. Đài Truyền hình Việt Nam thường xuyên phát sóng chuyên mục “Việc tử tế”, “Sinh ra từ làng”; Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng chuyên mục “Những bông hoa đẹp”, “Cửa sổ nhân ái”; Báo Quân đội nhân dân với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Báo Hà Nội mới mở chuyên mục “Nét đẹp người Thủ đô”; Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) với chuyên mục “Gương sáng soi chung” để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong cả nước…

Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình thông qua nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh, tổ chức gặp mặt, nói chuyện, giao lưu với các điển hình tiên tiến; tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt; xuất bản tạp chí, tập san chuyên đề giới thiệu các điển hình tiên tiến như: Thành phố Hà Nội hơn 20 năm duy trì biểu dương “Người tốt, việc tốt”; Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức tuyên dương các điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực. Ủy ban MTTQ biểu dương cán bộ mặt trận cơ sở, khu dân cư tiêu biểu; Công đoàn xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hàng năm tổ chức biểu dương công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo… Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, như: 100 điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện, 100 trí thức trẻ tiêu biểu; 100 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện cánh đồng mẫu lớn, 110 cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu, các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu… Qua đó, góp phần khích lệ, nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương và các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã kịp thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nhìn chung, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước đã từng bước được đổi mới với nhiều hình thức, nội dung phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua đã trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các ngành, các cấp khen thưởng. Chất lượng công tác khen thưởng ngày càng được nâng cao góp phần thúc đẩy phong trào thi đua, thực hiện chế độ, chính sách góp phần ổn định chính trị xã hội. Việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có bước chuyển tích cực. Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương đã phối hợp với một số ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”

Trong 13 năm thực hiện Luật thi đua, Khen thưởng, đã có 3.562 cá nhân vinh dự nhận Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 511 tập thể, cá nhân được nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động; 13.872 trường hợp Cờ thi đua của Chính phủ; 89 cá nhân được nhận Huân chương Dũng cảm; 1.359.523 cá nhân được nhận Huy chương Chiến sỹ vẻ vang; 68.064 tập thể, cá nhân nhận Huân chương Lao động các hạng. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được chiếm 14,33%; khen thưởng theo niên hạn chiếm 63,15%; khen thưởng kháng chiến chiếm 20,66%, các danh hiệu vinh dự nhà nước chiếm 1,35%...


Thực hiện Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, trong 7 năm (2010-2016), có 23 bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ 48 giải thưởng, trong đó, có 30 giải thưởng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức.


Trang Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t