Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 (06:13 28/05/2017)


HNP - Sáng 27/5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Đến dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã bày tỏ sự vui mừng khi Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: đây là cơ sở pháp lý và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đồng thời, cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em của nước ta. 
 
Phó Chủ tịch nước cho biết, trong những năm qua, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đã có cam kết chính trị mạnh mẽ tích cực và xây dựng nhiều chương trình, chính sách để thực hiện công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Qua đó, chất lượng cuộc sống của trẻ em đã được cải thiện đáng kể từ nhiều khía cạnh như: dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, văn hóa và phát triển con người. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp phải một vấn đề lớn được cả thế giới quan tâm, đó là tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em. Bạo lực và xâm hại trẻ em đang được coi là một vấn nạn trong phạm vi toàn cầu và Châu Á là một trong những khu vực có tỷ lệ bạo lực xâm hại trẻ em cao trên thế giới. Ở Việt Nam, hiện tượng này đang có nguy cơ ngày càng tăng, nhất là những vụ xâm hại tình dục trẻ em đang có diễn biến phức tạp và gây bức xúc dư luận xã hội.
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ
 
Để giải quyết tình trạng trên, Phó Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực triển khai và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Thông qua Chỉ thị, các cơ quan liên quan cần quán triệt và triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt các giải pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này. Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em cũng như các chủ trương, chính sách về bảo vệ và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí cần không ngừng tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc phụ huynh, thành viên trong gia đình, giáo viên và những người trực tiếp làm việc với trẻ em, cũng như giáo dục cho trẻ những kĩ năng tự bảo vệ bản thân. Phó Chủ tịch nước tin tưởng, với sự nỗ lực của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, trẻ em Việt Nam sẽ được sống, học tập và vui chơi trong một môi trường thực sự an toàn và lành mạnh.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu hưởng ứng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm nay, ngay từ những ngày đầu tháng 5, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Thành phố là các hoạt động phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phải hướng về cơ sở và ưu tiên cho những nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, cũng như các địa bàn khó khăn. Lễ phát động ngày hôm nay sẽ là sự khởi đầu của chuỗi hoạt động diễn ra đồng loạt trên phạm vi toàn Thành phố, tập trung vào 5 nội dung: Một là, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức, gia đình/người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em; chú trọng triển khai sâu, rộng Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, quan tâm tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp, tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan và hướng dẫn trẻ em đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
 
Hai là, tổ chức bàn giao, tiếp nhận quản lý hiệu quả trẻ em về sinh hoạt hè tại cộng đông. Tiến hành các giải pháp ngăn ngừa trẻ em bị xâm hại, lạm dụng; ưu tiên tập huấn trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, nhất là các nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực; huy động sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên, cộng đồng, các cơ quan báo chí và chính trẻ em để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em và tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, lạm dụng trên địa bàn.
 
Ba là, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí thu hút sự tham gia của trẻ em tại địa bàn dân cư trong Tháng hành động vì trẻ em nói riêng, trong kỷ nghỉ hè nòi chung để các em có một kỳ nghỉ an toàn, lý thú và bổ ích. 
 
Bốn là, rà soát các địa điểm tại cộng đồng, trường học, các nơi vui chơi, giải trí có nguy cơ xảy ra xâm hại, xảy ra tai nạn thương tích trẻ em, có các giải pháp khắc phục hiệu quả nhằm xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện.
 
Năm là, tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực các tổ chức, cá nhân trong nước và Quốc tế hỗ trợ để chăm lo tặng quà, trao học bổng.. cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất, bể bơi, trang thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu trong Tháng hành động vì trẻ em, mỗi quận huyện, thị xã đầu tư kinh phí xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em ở ít nhất 5 điểm vui chơi tại cộng đồng.
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt 
 
Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hà Nội đã trao 50 suất quà và học bổng cho 50 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng đã vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập.
 
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ
 
Thành phố Hà Nội hiện có gần 1,8 triệu trẻ em, trong đó, có 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 50.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô, lãnh đạo Thành phố đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực hiện các chính sách đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Năm 2016, đã có 99,2% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức, toàn Thành phố có 540/584 xã, phường, thị trấn được công nhận “Xã, phường phù họp với trẻ em”; 96,3% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; trên 99% học sinh tốt nghiệp các cấp, giáo dục đào tạo của Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t