Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU:


Bài 1: Chủ trương đúng nhằm phát triển kinh tế tư nhân (20:51 07/03/2017)


HNP - Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” đã được triển khai đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở, với cách làm bài bản, sáng tạo và quyết tâm cao, qua đó, tạo bước đột phá trong việc thành lập mới các tổ chức Đảng, đoàn thể.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn dự lễ thành lập Đảng bộ Công ty CP bảo hiểm hàng không


Triển khai đồng bộ
 
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được ban hành và triển khai thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phục hồi chậm, DN hoạt động không ổn định, nhiều DN phải giải thể, ngừng hoạt động, cùng với đó là tình hình biển Đông diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN cũng như việc làm của người lao động. Chính vì thế, những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết 09 đề ra có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động ổn định của DN, cũng như đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động.
 
Ngay sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU được ban hành, Ban Chỉ đạo Thành phố đã tổ chức Hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt toàn Thành phố, ban hành kế hoạch giao nhiệm vụ đến các sở, ban, ngành cũng như giao chỉ tiêu cho các Đảng bộ trực thuộc. Căn cứ các kế hoạch của Thành phố, 30/30 quận, huyện, thị uỷ đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm Trưởng ban và thành lập tổ công tác giúp việc. Ban Thường vụ các quận, huyện, thị uỷ đã chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hàng năm để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy.
 
Từ Thành phố đến các quận, huyện, thị ủy, các đảng uỷ trực thuộc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sâu sát, kiên trì, bền bỉ, như thông qua phương tiện thông tin đại chúng tổ chức các buổi toạ đàm, giao lưu, đối thoại trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, người lao động trong các DN ngoài Nhà nước. Qua đó giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, người lao động, nhất là các chủ DN hiểu đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, từ đó, tạo sự đồng thuận cộng tác giữa tổ chức đảng, đoàn thể với chủ doanh nghiệp, khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động tích cực, tự giác tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước của thành phố.
 
Ngoài ra, Thành phố cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết, như quy định tạm thời một số chế độ, định mức chi hỗ trợ các tổ chức đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực Nhà nước; giao chỉ tiêu cán bộ chuyên trách và cộng tác viên làm công tác đảng và đoàn thể trong DN ngoài khu vực Nhà nước; hướng dẫn sinh hoạt chi bộ trong các DN ngoài khu vực Nhà nước; dịch và in Nghị quyết 09 ra 5 thứ tiếng để phát tới các DN…
 
Trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, trên địa bàn Thánh phố có một số quận, huyện ủy xây dựng mô hình đảng bộ cơ sở DN ngoài khu vực nhà nước trực thuộc với các tên gọi khác nhau, như: Quận ủy Hoàn Kiếm có Đảng bộ các HTX công nghiệp; Quận uỷ Hai Bà Trưng có Đảng bộ các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh; Huyện ủy Từ Liêm có Đảng bộ cụm công nghiệp; Huyện ủy Thanh Trì có Chi bộ cụm công nghiệp,… Còn lại đa số tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước sinh hoạt tại đảng bộ quận, huyện, thị hoặc đảng uỷ xã, phường, thị trấn. Do vậy, để tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, đồng thời, để thống nhất mô hình trực thuộc của các đảng bộ nói trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quy định tạm thời về thành lập Đảng bộ khối DN hoặc Đảng bộ cụm công nghiệp trực thuộc quận, huyện, thị ủy để giảm đầu mối trực thuộc, tạo điều kiện để tổ chức đảng đi vào hoạt động có hiệu quả, nề nếp cũng như đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể. Đến nay, đã có 15 quận, huyện ủy thành lập được Đảng bộ khối DN trực thuộc.
 
Bước chuyển mạnh trong phát triển các tổ chức đảng, đoàn thể
 
Để tăng cường xây dựng Đảng và các đoàn thể trong DN, Ban Chỉ đạo Thành phố và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đã chỉ đạo khảo sát 32.455 doanh nghiệp, gồm cả 5 loại hình doanh nghiệp, trong đó, đã khảo sát sâu và toàn diện trên 15.500 DN. Qua công tác khảo sát, đã xây dựng lộ trình, kế hoạch, tổ chức các buổi tiếp xúc với chủ DN và người lao động để vận động, thuyết phục thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân.
 
Kết quả, trong 5 năm qua, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới được 886 tổ chức đảng (bằng 1,25 lần tổng số tổ chức đảng được thành lập sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII), đạt 88,15% chỉ tiêu kế hoạch giao, nâng tổng số các tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước của thành phố lên 1.637. Toàn Thành phố cũng kết nạp được 5.964 đảng viên mới (trong đó có 24 đảng viên là chủ DN tư nhân). Thành lập mới 1.994 tổ chức công đoàn cơ sở, đạt 99,7% chỉ tiêu; kết nạp mới trên 213 nghìn đoàn viên, đạt 106,5% so với chỉ tiêu kết nạp đoàn viên công đoàn. Cũng trong 5 năm, toàn Thành phố thành lập được 681 tổ chức Đoàn, Hội thanh niên (473 Tổ chức đoàn, 208 Tổ chức hội) với 20.401 đoàn viên, hội viên; thành lập mới được 151 tổ chức cơ sở Hội phụ nữ (trong đó có 33 Hội phụ nữ và 118 chi hội phụ nữ với 4.798 hội viên tham gia).
 
Theo Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước TP Hà Nội, việc thực hiện Nghị quyết 09 là tiếp tục chủ trương của Đảng, Nhà nước về CNH-HĐH, tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển. Thực tế cho thấy trong quá trình triển khai Nghị quyết 09, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn Thành phố đã có những chuyến biến rõ rệt trong việc tạo thuận lợi để các DN hình thành, hoạt động và phát triển. Những khó khăn, vướng mắc của DN đã được nắm bắt và chỉ đạo, xử lý kịp thời.
 
Những kết quả thực hiện Nghị quyết 09 đã có tác động tích cực đến hoạt động của DN, qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cụ thể, năm 2012, toàn TP có có khoảng 135 nghìn DN thì đến năm 2016, số lượng này tăng lên trên 210 nghìn DN. Số DN thành lập mới trong năm 2012 có khoảng 13 nghìn DN thì đến năm 2016 là 23 nghìn DN thành lập mới; đóng góp của các  DN ngoài khu vực Nhà nước trên tổng số thu ngân sách của TP vào năm 2012 chiếm khoảng 1/4 thì đến năm 2016 đã tăng lên trên 30%.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t