Đảng bộ huyện Đan Phượng: Những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ (18:55 15/06/2018)


HNP - Nửa đầu nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đan Phượng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thuận lợi là cơ bản song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bám sát vào chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đạt được bước đầu quan trọng.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng... Nhờ vậy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ nhịp độ tăng trưởng khá, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,10%. Năm 2017, cơ cấu kinh tế của huyện có tỷ trọng: Thương mại - dịch vụ: 43,1%; công nghiệp - xây dựng: 48,02%; nông nghiệp: 8,88%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản: 180 triệu đồng/ha/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn nửa nhiệm kỳ qua ước đạt 1.070,76 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 20,21% (không tính thu tiền sử dụng đất), vượt 7,21% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tăng 12-13%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 40,3 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần năm 2015. 
 
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển. Đến hết năm 2017, huyện đã đầu tư xây dựng được 07 cụm, điểm công nghiệp, làng nghề với tổng diện tích 63,58ha, bố trí mặt bằng sản xuất kinh doanh cho 1.018 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút hàng vạn lao động, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu ngân sách bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 8,9%/năm; năm 2017, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 4.957 tỷ đồng. 
 
Thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú ở tất cả các lĩnh vực. Giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân hàng năm 11%, năm 2017, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 4.725 tỷ đồng.
 
Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sinh thái bền vững, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng chỉ dẫn địa lý thương hiệu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất trên 01ha đất canh tác tăng từ 168 triệu đồng năm 2015 lên 180 triệu đồng năm 2017. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 907 tỷ đồng năm 2015 lên 927 tỷ đồng năm 2017.
 
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai một cách kịp thời, hiệu quả, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động được 1.190,32 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện đầu tư 337 dự án ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều dự án lớn, các tuyến đường quan trọng như đường nhánh N1, N14, N10, Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Trung Châu và các hạng mục lớn trong trụ sở xã Thọ Xuân, Hồng Hà, Phương Đình; các công trình trường học mầm non: Đan Phượng, Thọ Xuân, Đồng Tháp; tiểu học: Đan Phượng, Song Phượng, Trung Châu A; trung học cơ sở: Tân Lập, Đồng Tháp, Lương Thế Vinh; các nhà văn hóa xã, thôn; đường giao thông thôn, làng, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, ao môi trường... cơ bản hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện.
 
Song song phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Đan Phượng cũng tập trung lãnh đạo huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư thúc đẩy chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Từ năm 2016, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai các kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới; rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM các xã; tập trung xây dựng NTM giai đoạn 2, chỉ đạo xây dựng NTM kiếu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung.
 
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục, y tế được tăng cường đầu tư, chất lượng được nâng lên, số trường chuẩn quốc gia hàng năm đều tăng, công tác chăm sóc sức khỏe bước đầu cho nhân dân được quan tâm, phòng chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Đến hết năm 2017, toàn huyện có 07/15 (đạt 46,7%) xã đạt chuẩn văn hóa NTM, 89/120 (đạt 74,2%) làng, cụm dân cư, 6/9 (đạt 66,6%) tổ dân phố, 84/132 (đạt 64%) cơ quan, đơn vị, 37.003/40.888 (đạt 90,5%) gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Cơ sở văn hóa được đầu tư, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng như việc xây dựng nếp sống văn hóa theo Chỉ thị 22 (2013) của Huyện ủy được đẩy mạnh và có sức lan tỏa, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương được tăng cường, không có đơn thư khiếu kiện đông người. 
 
Phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra, từ nay đến hết nhiệm kỳ, đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 08 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 06 chương trình công tác của Huyện ủy. Chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công 05 năm (2016-2020). Đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống có lợi thế. Phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp hiện có, hoàn thành đầu tư mở rộng cụm công nghiệp - TTCN làng nghề Liên Hà, Liên Trung, Đan Phượng. 
 
Phát triển thương mại - dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phát triển các điểm, các trung tâm thương mại - dịch vụ ở các xã. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. 
 
Phát triển nguồn thu, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời, đầy đủ các khoản đã thu vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hàng năm đạt và vượt dự toán Thành phố giao, tốc độ tăng thu NSNN trên địa bàn bình quân hàng năm đạt từ 12%-13% (không tính thu tiền sử dụng đất). 
 
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kể hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, chỉ đạo hoàn thành chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu tại 03 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung trong năm 2018. Phấn đấu đến năm 2020, huyện được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t