Góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (15:12 14/06/2024)


HNP - Sáng 14/6, tại Hội trường Quận ủy Cầu Giấy, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Cầu Giấy tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động”.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại


Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; ông Vũ Hồng Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức.
 
Đặc biệt, dự buổi đối thoại, giao lưu trực có gần 300 cán bộ công đoàn và đoàn viên, công nhân viên chức lao động quận Cầu Giấy.
 
Các chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu
 
Từ 1/7/2024, BHXH, BHYT của người lao động thay đổi như thế nào?
 
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường mầm non Yên Hòa có hỏi: Từ 1/7/2024, BHXH, BHYT của người lao động thay đổi như thế nào? Bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại thì độ tuổi về hưu có được thay đổi như yêu cầu là 55 tuổi hay không? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, mức lương sẽ được hưởng thế nào?
 
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Yên Hòa nêu câu hỏi về mức lương đóng BHXH của giáo viên mầm non khi áp dụng bảng lương mới
 
Trả lời nội dung này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Tiền lương của người lao động hiện nay đang căn cứ trên hợp đồng lao động (HĐLĐ) để đóng BHYT, BHXH. Do vậy tỷ lệ phần trăm đóng BHXH và BHYT vẫn giữ nguyên, còn mức lương sẽ căn cứ trên HĐLĐ để thực hiện đóng.
 
Nếu đến tháng 7/2024, thực hiện cải cách tiền lương, công chức, viên chức, nhà nước không còn lương hệ số mà chuyển sang lương theo mức tiền nhất định thì sẽ thực hiện đóng theo HĐLĐ. Tùy thuộc theo bảng lương nhà nước thực hiện như nào, cơ quan BHXH sẽ thu theo như vậy, đơn vị báo thay đổi theo mẫu của cơ quan BHXH (mẫu D02).
 
Hiện nay ngành Giáo dục mới đang trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư về ngành nghề nặng nhọc độc hại thì ngành Giáo dục vẫn chưa công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
 
Nghề nặng nhọc, độc hại có đặc điểm tùy thuộc đơn vị chủ quản công nhận trong cả hệ thống ngành nghề đó có nặng nhọc, độc hại hay không, sẽ nghiên cứu, đo đạc tất cả các yếu tố môi trường để rồi công nhận, sau đó ngành làm thủ tục đề nghị sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Khi nào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản công nhận thì khi đó mới được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại.
 
Khi được công nhận chức danh ngành nghề nặng nhọc độc hại thì được về hưu trước 5 tuổi không bị trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.
 
Lưu ý, đối với các đơn vị có môi trường nặng nhọc độc hại cần ghi rõ chức danh nghề trong HĐLĐ, không được thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
 
Về tiền lương, khi được công nhận nghề nặng nhọc độc hại, nếu là công chức, viên chức thì theo thang bảng lương nhà nước quy định, đối với các loại HĐLĐ thì do thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
 
Các doanh nghiệp có bắt buộc trả lương tháng 13?
 
Chị Nguyễn Thị Chỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi: Các doanh nghiệp có bắt buộc trả lương tháng 13 và các tiền thưởng dịp lễ, Tết cho người lao động hay không?
 
Chị Nguyễn Thị Chỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nêu câu hỏi
 
Trả lời nội dung này, chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cho biết: Lương tháng 13 hay những quyền lợi thưởng khác là những điều khoản do người sử dụng lao động và người lao động tự xác lập, trên cơ sở điều kiện thực tế. Bản chất lương tháng 13 và các khoản thưởng khác đó là cơ chế tạo động lực khuyến khích trên cơ sở sự đóng góp, cống hiến cũng như hiệu quả, tính chất công việc.
 
Do đó, dưới góc độ Luật thì không bắt buộc, tuy nhiên tại đơn vị, khi người lao động làm việc, chủ sử dụng lao động muốn đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối đa nhất thì cần có cơ chế tạo động lực. Pháp luật có quy định có chế độ thưởng, trước đây thưởng bằng tiền, hiện nay thưởng có thể bằng tiền hoặc hiện vật.
 
Nếu thực hiện chế độ thưởng thì đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng quy chế thưởng, trong quy chế cần xác định rất rõ đối tượng thưởng, thời gian, điều kiện thưởng, mức thưởng… Trước khi ban hành quy chế, đơn vị sử dụng lao động cần tham khảo ý kiến người lao động.
 
Còn chuyên gia Vũ Hồng Ngọc cho rằng: Chúng ta đang dùng thuật ngữ thành thói quen, lương tháng 13 bản chất đây không phải là lương, mà là khoản tiền thưởng.
 
Sau hơn 2 giờ diễn ra sôi nổi, buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách đã thành công tốt đẹp. Hầu hết các câu hỏi, thắc mắc của người lao động đã được các chuyên gia trao đổi, giải đáp thỏa đáng.
 
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại Chương trình
 
Phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình mới, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động ngày càng có vai trò quan trọng và được LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, được triển khai thường xuyên, liên tục.
 
Thông qua công tác này góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t