Hà Nội dự kiến hỗ trợ hơn 250 tỷ đồng cho lực lượng y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập (18:15 26/08/2022)


HNP - Chiều 26/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chủ trì hội nghị.  


Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc hỗ trợ, động viên đối với các công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố Hà Nội là rất cần thiết.
 
Đồng chí Bùi Thị An phát biểu tại hội nghị
 
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế MTTQ Việt Nam TP: Trong mấy năm qua, nhất là giai đoạn từ đầu năm 2020 đến hết quý I/2022, ngành y tế Thủ đô có đóng góp rất quyết định trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Xã hội đánh giá và ghi nhận công lao của các y, bác sỹ cũng như nhân viên y tế toàn ngành. Theo đại biểu, bên cạnh sự tôn vinh về tinh thần thì nên có sự động viên vật chất kịp thời để động viên, do đó, Nghị quyết này là rất cấp thiết, dù hơi muộn. Đồng chí kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ và không nên tính theo mức lương. Điều quan trọng nhất, là phải công khai, minh bạch việc hỗ trợ cũng như lộ trình thực hiện, không được phép để chậm hơn nữa thì mới có ý nghĩa động viên. Ngoài ra, cần công khai để dân biết và có sự giám sát của Mặt trận tổ quốc.
 
Đồng chí Lê Văn Hoạt đóng góp ý kiến tại hội nghị
 
Còn TS.Lê Văn Hoạt kiến nghị cần rà soát thêm về đối tượng áp dụng để đảm bảo tính hợp lý, công bằng đối với những người đã tham gia vào quá trình chống dịch nhưng chưa đủ thời gian hoặc đã chuyển đi vì lý do khách quan. Hay xác định về việc tham gia trực tiếp hay gián tiếp hoạt động chuyên môn y tế, nhất là đối với những người làm quản lý hành chính nhưng có tham gia trực tiếp vào công tác chuyên môn y tế.
 
Ngoài ra, cần giải thích rõ hơn việc trong các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, cơ quan văn phòng Sở Y tế thì phân chia ra 2 đối tượng trực tiếp và gián tiếp làm chuyên môn nhưng tại các Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin TP Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở LĐ,TB&XH và Phòng Y tế thuộc UBND quận, huyện, thị xã thì 100% cán bộ nhân viên và người hợp đồng là người trực tiếp làm chuyên môn y tế. Điều này là cần thiết để đảm bảo tính đồng thuận cao và thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện sau này.
 
Ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, lực lượng công chức, viên chức và những người hoạt động trong lĩnh vực y tế đã và đang nỗ lực làm việc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô. Họ đã có nhiều đóng góp trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, được Nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, thu nhập và cuộc sống của cán bộ, công chức, người lao động trong lĩnh vực y tế của Thủ đô hiện vẫn còn khó khăn, nhiều cán bộ đã bỏ việc, chuyển nghề. Trong khi Nhà nước đang nghiên cứu cải tiến tiền lương thì việc HĐND và chính quyền thành phố Hà Nội quyết định hỗ trợ một lần như Nghị quyết là việc làm rất cần thiết và kịp thời; chắc chắn sẽ phần nào động viên những người hoạt động trong lĩnh vực y tế ở Thủ đô có thêm động lực để phục vụ nhân dân và xã hội. Chủ trương này chắc chắn sẽ nhận được sự đón nhận của mọi người, sự đồng thuận của Nhân dân.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố rất quan tâm đến dự thảo Nghị quyết được thông qua lần này bởi ấn tượng về sự hy sinh, cống hiến của lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Coi lực lượng y tế là lực lượng tuyến đầu, thời gian qua, Thành phố đã triển khai một số chính sách để hỗ trợ, động viên lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch. Từ tình cảm, mong muốn của Nhân dân đối với lực lượng y tế thì chính sách này là đặc thù, không phải chỉ áp dụng đối với cán bộ phòng chống dịch mà dành cho tất cả cán bộ của ngành y tế Thủ đô nói chung. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ ủng hộ dự thảo Nghị quyết này và lấy đó làm căn cứ thực tiễn, dần dần xóa cơ chế xin - cho bắt đầu từ tên gọi của Nghị quyết.

Đối với Thành phố Hà Nội, sẽ căn cứ vào điều kiện cân đối của ngân sách Thành phố để hỗ trợ. Đồng chí cũng lưu ý, nhóm đối tượng là lực lượng y tế thì đều được hưởng chế độ đặc thù. Ngoài hỗ trợ một lần, mong muốn Thành phố cũng quan tâm đến lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 để giải quyết mối quan hệ của Thành phố với hệ thống y tế của cả nước và y tế trên địa bàn Thủ đô. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện Nghị quyết hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền; Xác định rõ đối tượng được hưởng và việc triển khai cần được phủ kín với các cơ quan, ban ngành, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
 
Theo Dự thảo Nghị quyết: Đối tượng áp dụng Công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Phòng Y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội.
Cụ thể: 
1. Các Bệnh viện, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm”:
a. Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm): Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người.
b. Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính): Mức hỗ trợ 7.000.000 đồng/người.
2. Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm Tư vấn dân số KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm:
a. Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm): Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
b. Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính): Mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/người.
3. Cơ quan Văn phòng Sở Y tế:
a. Phòng Nghiệp vụ Y, Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng Sở Y tế: Mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người.
b. Phòng: Nghiệp vụ Dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tưu nhân, Thanh tra Sở: Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
4. Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã: Mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/người.
5. Viên chức, lao động, hợp đồng có chuyên môn y tế, hiện đang làm công tác y tế tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Thành phố Hà Nội, các Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở LĐ,TB&XH: Mức hỗ trợ: 5.000.000 đồng/người.
 Dự kiến, tổng mức hỗ trợ 250.308 triệu đồng, từ Ngân sách cấp Thành phố
 

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t