Nâng cao hiệu quả quản lý chợ ở Hà Nội: Quyết liệt hơn để tạo sự chuyển biến (19:53 03/08/2019)


HNP - Mặc dù thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ nhằm khai thác hiệu quả, song do nhiều nguyên nhân, công việc này vẫn tồn tại, hạn chế. Để làm tốt hơn nữa hình thức kinh doanh này, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn với nhiều giải pháp đồng bộ.

Nhiều chuyển biến bước đầu

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 454 chợ, trong đó, có 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,3%), 56 chợ hạng 2 (chiếm 12,28%), 352 chợ hạng 3 (chiếm 77,5%), 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng (chiếm 1,3%), 25 chợ đề nghị không phân hạng (chiếm 5,4%) do thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện các dự án khác, một số nằm trên đất ngoài đê, đất cây xanh... Trong tổng số 454 chợ có khoảng 91 chợ kiên cố, 247 chợ bán kiên cố, 116 chợ lán tạm. Chia theo khu vực, Hà Nội có 197 chợ thành thị và 257 chợ nông thôn. Hà Nội có 232 chợ họp cả ngày và liên tục trong các ngày, 121 chợ họp nửa ngày và 101 chợ họp theo phiên. Đối với chợ đầu mối và có tính chất đầu mối, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối (Chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối (Chợ Long Biên có tính chất đầu mối hoa quả và rau các loại; chợ cá Yên Sở có tính chất đầu mối thủy sản; chợ gia cầm Hà Vĩ có tính chất đầu mối gia cầm, thủy cầm; chợ Nành có tính chất đầu mối vải vóc, quần áo; chợ hoa Quảng An có tính chất đầu mối hoa).

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, công tác quản lý nhà nước về chợ đã có nhiều tiến bộ, nhất là sau khi UBND thành phố yêu cầu UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan đôn đốc khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ nhằm giúp khai thác tốt hơn hiệu quả của hình thức kinh doanh này. Đơn cử như việc bố trí, sắp xếp ngành hàng và nội quy hoạt động của các chợ trên địa bàn phố, với sự nỗ lực của sở, ngành liên quan và các địa phương đến nay 452/454 chợ đã có nội quy hoạch động; 2 chợ còn lại do trong quá trình nâng cấp, cải tạo sẽ xây dựng và phê duyệt phương án sau khi cải tạo xong. Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, năm 2018, trên địa bàn thành phố đã giải tỏa được 170 chợ cóc, chợ tạm.

Theo ông Lê Hồng Thăng, hoạt động của các chợ trên địa bàn đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động, một số chợ kinh doanh tốt số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên nhiều so với các năm trước đây. Đáng nói, hoạt động kinh doanh của các chợ đã góp phần không nhỏ tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa bàn, thuận tiện cho việc mua bán đáp ứng nhu cầu của dân cư nhất là các vùng ngoại thành.

Siết chặt quản lý

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Hầu hết các chợ, nhất là khu vực chợ ngoại thành, các hạng mục, như: Hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, kết cấu công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường..., nếu không được đầu tư cải tạo, sửa chữa sẽ có nguy cơ cháy nổ và sập bất kỳ lúc nào.

Một số địa bàn của các địa phương chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dẫn đến tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, hàng hóa khó kiểm soát, không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố chưa có các chợ đầu mối đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn và nhân dân trong vùng.

Công tác quản lý và phát triển chợ những năm qua ở các quận, huyện, thị xã có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ triển khai quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý chợ cả ở những cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị quản lý trực tiếp tại các chợ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, vì vậy chưa phát huy được vai trò và các chức năng của chợ, ngay cả ở những chợ đã được xây dựng khang trang. Mặc dù đã phê duyệt được 100% kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ song công tác chuyển đổi mô hình chợ còn chậm và nhiều bất cập...

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển chợ, kịp thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn, trước hết, các quận, huyện, thị xã cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện tốt công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; hoàn thành công tác phân hạng chợ đối với các chợ còn lại đủ điều kiện. Đối với các chợ không đủ điều kiện phân hạng đề xuất phương án xử lý, công khai tạo sự đồng thuận của các tiểu thương, người dân. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trong chợ. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải tỏa, chống tái phát các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong…

Liên quan đến nhiệm vụ trên, các sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các chợ. Trong đó, Sở Công Thương cần tăng cường hơn nữa việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chợ, đặc biệt tại các chợ hạng 1, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, đôn đốc các quận, huyện, thị xã rà soát, hoàn thành công tác phân hạng chợ với các chợ đủ điều kiện. Đối với các chợ không đủ điều kiện phân hạng, Sở sớm đề xuất phương án xử lý. Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt công tác giải tỏa, chống lấn chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm; vận động các hộ kinh doanh trong chợ chung tay ký bản cam kết và triển khai chống rác thải nhựa…

Hy vọng với những giải pháp trên những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về chợ sớm được hóa giải, từ đó, có những đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t