Đánh giá thực trạng chăn nuôi và nguy cơ gia tăng mắc bệnh lây nhiễm (16:34 05/07/2018)


HNP - Ngày 5/7, Chi cục Thú y thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề “Đánh giá thực trạng chăn nuôi và nguy cơ gia tăng mắc bệnh lây nhiễm từ động vật sang người qua véc tơ côn trùng”.

Các đại biểu tham dự hội thảo


Tại hội thảo, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, trong những năm qua, ngành chăn nuôi của thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc, gia cầm, Hà Nội luôn đứng ở tốp đầu cả nước về đầu con và sản lượng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. 
 
Hiện nay, tổng đàn gia súc gia cầm của thành phố có 180.372 trâu bò, đàn lợn trên 2 triệu con, đàn gia cầm trên 26 triệu con, đàn chó mèo là 493.592 con. Trên địa bàn thành phố có 1.343 chợ, điểm, hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Trong đó, 526 chợ được chính quyền địa phương cho phép. Số cơ sở, hộ giết mổ động vật là 988 cơ sở, trong đó, có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp. Số cơ sở, hộ giết mổ giảm 8% so với năm 2017. Có 57 cơ sở khám chữa bệnh động vật, trong đó, có 42 cơ sở có giấy phép kinh doanh.
 
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, trong thời gian qua, Chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả trên địa bàn thành phố.
 
Nhờ làm tốt công tác thú y, lĩnh vực chăn nuôi từng bước phát triển, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Sản xuất chăn nuôi tại chỗ cơ bản đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của thành phố và cung cấp nhiều động vật, sản phẩm động vật xuất ra ngoài tỉnh. Ngăn chặn thành công dịch cúm A/H7N9 và kiểm soát, khoanh vùng, khống chế kịp thời các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không để lây lan rộng gây thiệt hại kinh tế.
 
Tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của sự gia tăng các bệnh chung giữa động vật và người công tác phòng bệnh giữ vai trò rất quan trọng. Một số đại biểu đưa ra giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng hợp tác trong đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Chủ động, phối hợp chặt chẽ cùng các chương trình, dự án tổ chức, triển khai và đề xuất các giải pháp phòng bệnh chủ động. Đầu tư cho quy hoạch chăn nuôi, giết mổ và tích cực công tác thông tin, truyền thông.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t