Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm: Đồng bộ nhiều giải pháp (16:16 13/03/2018)


HNP - Do nhiều nguyên nhân, nhất là diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cao cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên diện rộng. Với phương châm phòng bệnh là chính, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho nông dân.

Tiềm ẩn nguy cơ

Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm của thành phố vẫn tiếp tục phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn gia súc, gia cầm của TP Hà Nội năm qua vẫn đứng ở tốp đầu cả nước với đàn trâu, bò 164.200 con, lợn hơn 1,6 triệu con, gia cầm 29 triệu con, đàn chó và mèo 412.751 con. Tỷ trọng chăn nuôi của thành phố chiếm hơn 55% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp Hà Nội.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đạt được kết quả trên là nhờ thành phố làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật cũng được tăng cường và việc tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, thời tiết giá lạnh kéo dài thời gian qua và thay đổi bất thường xen lẫn những ngày nắng nóng khiến độ ẩm biến động mạnh làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm suy giảm; số lượng động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn thành phố rất lớn, bên cạnh đó giá sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, việc xuất nhập động vật sản phẩm động vật cũng thường có những biến động bất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Đáng ngại nhất là dịch cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát do có sự biến thể của các loại vi rút cúm gia cầm. Những chủng vi rút này thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm không kiểm soát có thể lây lan trên diện rộng. Đối với gia súc, bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh trên lợn cũng vẫn có thể bùng phát. Ngoài ra, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tồn tại khá nhiều, nếu không kiên quyết sớm xóa bỏ cũng là mối tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Phòng bệnh là chính

Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và toàn diện, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững. Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào thành phố nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn dịch từ nơi khác đến.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sở, ngành liên quan làm tốt công tác thông tin, nhất là các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp giúp người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt việc thống kê, phân loại đối tượng sử dụng, gia súc gia cầm sinh sản, thương phẩm để dự báo cân đối cung - cầu thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dư thừa thịt lợn hơi thương phẩm làm hạ giá thành như năm 2017. Bên cạnh đó, giúp các hộ chăn nuôi ký kết hợp tác tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn nữa; giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao; thanh tra, kiểm tra, quản lý giống vật nuôi, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; tăng cường hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, quản lý, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm ngoài khu dân cư...

Thành phố cũng đồng thời làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, năm nay, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tổ chức tiêm phòng đại trà 2 đợt/năm (đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 4  và đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 10. Ngoài 2 đợt đại trà nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng thú y viên tiêm phòng bổ sung và tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động mua vắc xin tiêm phòng bổ sung hằng tháng cho đàn gia súc, gia cầm mới nhập về nuôi chưa tiêm phòng; đàn vật nuôi đã tiêm nhưng hết thời gian bảo hộ theo quy định. Kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định. Một số loại vắc xin sẽ tiến hành tiêm phòng: Đàn trâu, bò sẽ tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm, long móng; đàn lợn tiêm phòng lở mồm, long móng, tai xanh, tụ huyết trùng, dịch tả, đóng dấu; đàn gia cầm tiêm phòng các loại vắc xin cúm, newcatstle, gumboro...

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, toàn thành phố phấn đấu: Tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc phải bảo đảm hơn 80% tổng đàn gia súc, gia cầm; đối với bệnh dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm phòng đạt 100%. Còn tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng cho gia súc, gia cầm phải bảo đảm hơn 70%. Trong thời gian tổ chức các đợt tiêm phòng đại trà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu thành phố chỉ đạo kiểm tra việc triển khai tại các quận, huyện, thị xã và làm tốt công tác tuyên truyền để giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ hiệu quả của việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t