Đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường (10:33 01/11/2017)


HNP - Dù có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh, sự gia tăng dân số khiến công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Để hạn chế, từng bước đẩy lùi ô nhiễm, thành phố đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đưa công tác quản lý môi trường vào nề nếp, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài trong phát triển kinh tế, xã hội.

Huyện Ứng Hòa đang nỗ lực cải thiện ô nhiễm môi trường làng nghề Quảng Phú Cầu


Chi vượt mức quy định 1% thu ngân sách cho bảo vệ môi trường

Cùng với đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; xử lý nghiêm cơ sở sản xuất hoạt động dưới danh nghĩa làng nghề để gia công, sản xuất sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, TP Hà Nội tích cực triển khai và đưa vào vận hành một số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ tiên tiến. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn thành phố có tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt; 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý. Thành phố đã đầu tư một số bãi đổ phế thải xây dựng tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Thanh Trì... Hoàn thành việc thử nghiệm xử lý ô nhiễm một số hồ nội thành và đang tiếp tục triển khai nhân rộng...

Ngoài ra, thành phố đã quan tâm đầu tư đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải ở hồ Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000m3/ngày đêm và hiện đang nâng công suất lên thành 86.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải làng nghề xã Dương Liễu công suất 20.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000m3/ngày đêm; dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ công suất 58.000m3/ngày đêm; dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực Hà Đông và Sơn Tây, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho cụm làng nghề tại huyện Hoài Đức gồm các xã: Vân Canh công suất 4.000m3/ngày đêm, Sơn Đông công suất 8.000m3/ngày đêm.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất thải nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hóa chất hết thời hạn sử dụng... Tiến hành điều tra, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xây dựng mô hình xử lý thí điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện môi trường, tự giác chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn các tổ thôn, xóm có làng nghề xây dựng hương ước, quy ước gắn với bảo vệ môi trường...

Việc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường được thành phố thường xuyên quan tâm. Hằng năm, ngân sách thành phố cho cao hơn mức quy định 1% tổng chi ngân sách thành phố cho nhiệm vụ này, cụ thể: Năm 20147 là 1.809 tỷ đồng, tương đương 3,9%; năm 2015 là 2.226 tỷ đồng, tương đương 3,7% và năm 2016 là 2.911 tỷ đồng, chiếm 3,95% chi ngân sách. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã chủ động cân đối, bố trí chi cho công tác quản lý và nhiều hoạt động bảo vệ môi trường...

Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý

Dù thành phố rất nỗ lực nhưng công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một số hạn chế. Hiện khối lượng nước thải từ sinh hoạt mới xử lý được 213.300m3/ngày đêm, đạt 23,7%, còn lại hầu hết chưa được xử lý mà xả vào các sông, mương thoát nước, ao hồ. Tương tự, với nước thải công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, xả thẳng nước thải ra môi trường. Ngoài ra, lượng nước thải từ khách sạn, chợ, trung tâm thương mại, làng nghề, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm... chưa qua xử lý xả ra môi trường gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi.

Theo quan trắc, không khí ở hầu hết các khu vực dân cư do hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp, làng nghề, chôn lấp chất thải rắn trên địa bàn thành phố đều bị ô nhiễm không khí, bụi, độ ồn vượt chỉ tiêu cho phép. Mặc dù chưa có những nghiên cứu đầy đủ và hệ thống về chất lượng môi trường đất tại khu vực, tuy nhiên, qua một số kết quả nghiên cứu về chất lượng môi trường đất tại một số vùng của Hà Nội thực hiện trong một vài năm trở lại đây cho thấy, chất lượng môi trường đất đã bị ô nhiễm do kim loại nặng, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, chôn lấp rác thải gây nên đã bị ô nhiễm nặng. Với chất thải rắn, hiện công tác xử lý, tiêu huỷ, tái chế chủ yếu dựa vào chôn lấp hợp vệ sinh tại một số bãi rác...

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang có xu thế gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là đối với chất thải rắn, nước thải và không khí, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, trọng tâm chọn 3 vấn đề môi trường bức xúc nhất hiện nay là ô nhiễm do chất thải rắn, nước mặt và môi trường không khí do bụi xây dựng, khí thải của các phương tiện giao thông để tập trung khắc phục. Theo đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khắc phục các vấn đề bức xúc về môi trường, Sở TN&MT đã tham mưu với thành phố ban hành cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về phí, lệ phí, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xử lý môi trường trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịnh vụ, làng nghề...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tổ chức sự kiện, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường... Thực hiện công bố công khai những tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tạo sức ép của dư luận đối với các hành vi vi phạm. Coi trọng việc phát động phong trào bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng tiêu chí về bảo vệ môi trường và định kỳ đánh giá, kịp thời khen thưởng các cơ quan đơn vị, gia đình, làng và khu phố có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường...

Đi đôi với hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao năng lực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở TN&MT tập trung đôn đốc và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường; rà soát lập danh sách và kiên quyết xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh, tập trung công tác kiểm soát ô nhiễm đối với chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố...

Hy vọng với một số giải pháp nêu trên, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân sẽ từng bước hạn chế, đẩy lùi ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t