Mở rộng nuôi trồng thủy sản: Hướng đi đúng ở Hà Nội (06:54 20/07/2017)


HNP - Cùng với đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa tập trung, TP Hà Nội đang nỗ lực phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở xây dựng các mô hình chuyên canh thủy sản theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân.

Phát huy tiềm năng    

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản toàn thành phố hiện là 30.840ha. Trong đó diện tích ao, hồ lớn là gần 4.330ha; diện tích ao hồ nhỏ là hơn 6.700ha. Ngoài ra, còn một số sông lớn như sông Hồng, sông Bùi, sông Tích, sông Đáy diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi cá lồng, bè. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết: năm 2009, UBND thành phố phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản Hà Nội giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020. Tiếp đến tháng 2/2013, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Có thể nói, đây là một trong những điểm đột phá trong phát triển thủy sản của thành phố.

Trên cơ sở quy hoạch, thành phố đã xác định được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện, thị xã trên địa bàn. Cụ thể, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tham mưu cho các huyện thực hiện 13 dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cho 10 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì với diện tích 2.400ha. Bước đầu đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất giống, bởi vậy, chất lượng con giống từng bước được năng cao. Diện tích, sản lượng, năng suất sản lượng nuôi trồng thủy sản liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2009, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố chỉ đạo gần 19.200ha thì đến nay diện tích được nâng lên hơn 21.000ha, với tổng sản lượng đạt 110.000 tấn. Sản lượng đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của người dân thành phố.

Đáng ghi nhận, đối tượng nuôi và hình thức nuôi trồng thủy sản đa dạng hơn, chất lượng con giống được bảo đảm. Đã có nhiều mô hình nuôi thương phẩm với đối tượng nuôi mới hiệu của như: Trắm đen, rô phi đơn tính, rô đầu vuông, chép lai... Công tác theo dõi, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại một số vùng nuôi tập trung được triển khai qua hằng năm, do vậy, môi trường và bệnh thủy sản bước đầu đã được kiểm soát, từ đó, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất. Công tác quản lý nhà nước về thủy sản đã được kiện toàn về tổ chức và hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất. Một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản của thành phố được thí điểm áp dụng thành công đã đi vào cuộc sống.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhu cầu sản phẩm thủy sản cho Hà Nội đến năm 2020 khoảng 243.000 tấn. Song do nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nuôi trồng thủy sản của thành phố gặp khó khăn, hạn chế. Trước hết phải kể đến nguồn giống sản xuất chủ yếu giống thủy sản truyền thống, số lượng mới đáp ứng được 80% đến 85%; giống thủy sản chất lượng cao nuôi đạt năng suất cao chủ yếu được nhập về nuôi do vậy không chủ động nguồn giống. Sản phẩm không tập trung, một số đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nuôi thả; năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản thấp so với tiềm ngăng, diện tích nuôi thủy sản thâm canh chiếm tỷ lệ thấp, năng suất nuôi bình quân thấp...

Đáng nói, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện... Đến nay, trong số 13 dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở 10 huyện mới có 2 dự án nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc 2 xã Trung Tú, Đồng Tân của huyện Ứng Hòa và vùng nuôi trồng thủy sản xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín) đang triển khai, còn lại các dự án khác chưa triển khai được do thành phố chưa bố trí được nguồn vốn, nên xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đang gặp khó khăn. Hiện, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đối với các trục đường giao thông chính, còn lại các nhánh đường xương cá và hạ tầng vùng nuôi, các hộ dân phải tự bỏ tiền đầu tư, trung bình, mỗi hộ dân cũng phải bỏ ra vài trăm triệu đồng, đây là số tiền quá lớn với nông dân, trong khi việc tiếp cận vốn vay ưu đãi còn nhiều bất cập.

Tại một số địa phương, nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản đang bị ô nhiễm, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản chưa được chú trọng. Việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa đồng bộ: Chưa có cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản nước ngọt.... Chất lượng sản phẩm thủy sản tại các vùng nuôi chưa được giám sát, kiểm tra thường xuyên; chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm thủy sản, chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất.

Để phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chẳng hạn như xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt sản lượng, chất lượng cao. Cung cấp đủ giống thủy sản bảo đảm chất lượng cho các vùng nuôi trên địa bàn thành phố. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung quy mô lớn. Hỗ trợ xây dựng, hình thành các vùng nuôi tập trung quy mô lớn trong việc xây dựng mô hình phát triển sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như hiệu quả kinh tế cao...

Với chủ trương, định hướng của thành phố, cộng với tiềm lực về con người, điều kiện tự nhiên và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, chắc chắn nuôi trồng thủy sản sẽ có những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Từ đó, góp phần vào việc đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới trong gian đoạn hiện nay trên địa bàn thành phố.


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t