Nhiều nét mới tại Lễ hội Gò Đống Đa và Lễ hội đền Sóc (05:36 23/01/2019)


HNP - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chiều 22/01, UBND quận Đống Đa và Ban tổ chức Lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã thông tin chi tiết về việc chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2019.

Theo đó, lễ hội gò Đống Đa năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm tròn 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với rất nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền văn hóa, lịch sử trước, trong và sau lễ hội. Tiêu biểu như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, thi đấu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… tại khu vực Công viên văn hóa Đống Đa. Bên cạnh đó, đúng vào ngày khai hội, ngày 9/2 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại Công viên văn hóa Đống Đa sẽ có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân; lễ dâng hoa, dâng hương chúc văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung; múa rồng và trình diễn trống hội, sử thi nghệ thuật mô phỏng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa… Tại lễ khai hội Gò Đống Đa năm nay, sẽ chính thức diễn ra lễ công bố quyết định đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho di tích Gò Đống Đa.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, ngoài những hoạt động truyền thống tại lễ hội, từ trước đó, quận Đống Đa còn tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống như: Thi tìm hiểu, thi viết trong học sinh, sinh viên, đoàn viên về Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cũng như tìm hiểu thân thế sự nghiệp của Hoàng Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của di tích Gò Đống Đa và Lễ hội Gò Đống Đa…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh thông tin tại buổi giao ban
 
Lễ hội đền Sóc 2019 được tổ chức trong 3 ngày, từ 10 đến 12/2 (tức 6-8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Năm nay, nghi lễ rước và tế lễ được thực hiện giống với mùa lễ hội năm 2018, bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ khai hội gồm có lễ dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế và lễ rước và lễ tế của các thôn, làng. Phần hội tiếp tục tổ chức các hoạt động đặc sắc như: Thi đấu bóng chuyền da nữ; thi đấu vật; các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, thi nấu cơm, đi cầu thăng bằng, đập niêu; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết: Lễ hội năm nay có nhiều nét mới, việc phát lộc được tổ chức quy củ, chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm tính tôn nghiêm, văn minh nơi thờ tự. Đó là, sau nghi thức tế lễ, phẩm vật sẽ được đưa vào hậu cung, khi có đủ lực lượng an ninh, việc phát lộc mới được thực hiện. Nguyên liệu làm lễ vật giò hoa tre cũng được thay đổi bằng cây Vầu nhằm đảm bảo việc kết giò lễ được thuận tiện hơn cũng như tránh được tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t