Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2017-2018 (22:16 19/06/2017)


HNP - Ngày 16/6, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3662/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố năm 2017-2018.

Kế hoạch nhằm mục tiêu tăng cường việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong năm 2017-2018 trên địa bàn TP nhằm tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật; Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này; Tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng) cho người khuyết tật.

UBND TP yêu cầu các hoạt động trợ giúp pháp lý phải bám sát nội dung chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại “Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020” của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động cụ thể,  khả thi, phù hợp với đặc thù của người khuyết tật; xác định rõ các đơn vị có trách nhiệm thực hiện, đơn vị phối hợp và thời gian thực hiện. Đồng thời, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là các cơ quan, tổ chức về người khuyết tật trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Theo số liệu thống kê năm 2016, số người khuyết tật trên địa bàn Thành phố là 98.792 người. Vì vậy, việc trợ giúp pháp lý cần tập trung một số nội dung:

Tiếp tục trợ giúp pháp lý với hình thức phù hợp cho các dạng tật tại nơi cư trú, sinh sống của người khuyết tật, trong đó, chú trọng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khi có yêu cầu; Tăng cường năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Mỗi năm, tổ chức từ 4 đến 5 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn TP.

Tổ chức khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý theo lĩnh vực pháp luật có liên quan đến cuộc sống của người khuyết tật. Mỗi năm, thực hiện khảo sát từ 1.500 đến 2.000 người khuyết tật ở các khu vực khác nhau trên địa bàn TP. Mỗi năm, thực hiện từ 25 đến 30 đợt tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới, pháp luật liên quan đến các chính sách đối với người khuyết tật tại nơi ở, nơi làm việc của họ.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Trợ giúp pháp lý và các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; biên soạn và phát hành tờ gấp pháp luật và các ấn phẩm chuyên dụng khác cho người khuyết tật; lồng ghép việc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương. Đồng thời, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t