Thành cổ Sơn Tây - nơi hội tụ đủ các giá trị của một di tích quốc gia đặc biệt (00:00 28/10/2022)


HNP - Thành cổ Sơn Tây, một trong “Tứ trấn thành” bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, là tòa thành đá ong duy nhất ở Việt Nam được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng. Theo UBND Thị xã Sơn Tây, trải qua 200 năm, đến nay, Thành cổ vẫn được bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự, khoa học… của một di tích quốc gia đặc biệt.  

Toàn cảnh Thành cổ Sơn Tây


Giá trị về vị trí, địa điểm
 
Việc triều đình nhà Nguyễn cho chọn vị trí để xây dựng Thành Sơn Tây thời bấy giờ là quá trình bàn bạc xem xét kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố như: vị trí trung tâm của vùng, thuận lợi về giao thông, phòng thủ, quá trình di chuyển, có vai trò tiềm năng để phát triển văn hóa, là trung tâm kinh tế, chính trị, hậu cần lớn, có nhiều yếu tố phong thủy phù hợp… Chính vì vậy, mà hai lần trước đó, triều đình đã cho đắp thành nhưng ở các vị trí không thích hợp cho việc xây dựng vai trò trung tâm cai trị (lần 1 ở La Phẩm, Ba Vì), lần 2 ở Mông Phụ (Đường Lâm).
 
Kỳ đài Thành cổ Sơn Tây
 
Trong lần dò tìm thứ 3 thì vị trí ở đất Minh Nghĩa (Mai Trai - Thuần Nghệ) thời đó đã được lựa chọn và công cuộc đắp thành diễn ra thành công. Triều đình nhà Nguyễn đã cử Thống đốc thập cơ Vũ Văn Thuận đem 2000 quân chính quy ra đây đi kết hợp với dân phu quân lính trong vùng tham gia, với địa thế nằm cạnh sông Hồng rất thuận lợi cho quá trình vận chuyển bằng đường thủy xuôi xuống mạn phía Nam trong đó có Hà Nội hoặc ngược lên các tỉnh, vùng miền Tây Bắc. Đây cũng là vùng có tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa. Vì thế, sau khi hạ thành, thực dân Pháp đã cho xây dựng 16 khu phố xung quanh các cửa để thu hút bà con thương lái, nhân dân các vùng đến định cư buôn bán làm ăn. 
 
Giá trị về niên đại
 
Với gần 200 năm tồn tại, nơi chứng kiến những biến động lớn của vùng, gắn với sự phát triển của vùng trung tâm của xứ Đoài - nơi có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, phòng thủ quân sự, giao thương buôn bán giữa các vùng miền.
 
Dựa vào niên đại ở Thành cổ, các nhà nghiên cứu và du khách có thể nghiên cứu, hồi tưởng về sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa xứ Đoài, vai trò trung tâm kết nối mảnh đất của Sơn Tây. Từ đây có thể đặt ra nhiều căn cứ  và đưa ra nhiều giả thuyết, suy đoán logic để từng bước khẳng định: Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, tâm linh tín ngưỡng; trục giao thông thủy bộ thuận lợi, vị trị án ngữ phòng thủ quan trọng phía Tây thành Thăng Long (có thể kể ra hệ thống giá trị văn hóa vật thể, tâm linh tín ngưỡng trên địa bàn như Đông Cung (Đền Và), Làng cổ Đường Lâm với chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), Văn Miếu Sơn Tây, ấp hai vua, cùng rất nhiều danh nhân khoa bảng, bậc hiền tài Nho học khác. 
 
Cổng Thành cổ Sơn Tây nay đã được bảo tồn 
 
Xung quanh Thành cổ Sơn Tây gắn với sự phát triển kinh tế, giao thông, trao đổi hàng hóa là các khu phố sầm uất. Theo một số tư liệu đã có 16 khu phố được xây dựng, mỗi phố gắn với việc sản xuất, buôn bán một vài mặt hàng thủ công, ẩm thực, mỹ nghệ, nông sản, cây con giống như: phố Hữu Mỹ, phố Hàng Đàn (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay), phố Hàng Nón (nay là phố Phùng Hưng), Hàng Sáo (phố Phạm Hồng Thái)…
 
Giá trị môi trường sinh thái
 
Trải qua quá trình tồn tại gần 2 thế kỷ, đến nay, ngoài việc là di sản văn hóa (đã được Bộ văn hóa Thể thao xếp hạng là di tích Quốc gia vào năm 1994) thì Thành cổ Sơn Tây còn có vai trò như một “lá phổi xanh khổng lồ” nằm giữa lòng đô thị, một chiếc ô rộng lớn bốn mùa xanh tươi. Những tán lá cung cấp một lượng oxy vô cùng to lớn, một chiếc máy điều hòa cân bằng không khí ở giữa bốn bề phố xá nhộn nhịp và cuộc sống của các khu dân cư.
 
Hào nước quanh Thành cổ Sơn Tây với nhiều loài thực vật, sinh vật phong phú
 
Theo các nhà khoa học về sinh vật, địa chất, môi trường thì 20ha đất và mặt nước hào thành cổ là môi trường rất thuận lợi cho các loài sinh vật sinh sôi, phát triển, bao gồm: động vật ở dưới mặt đất, lòng đất là các loài bò sát, côn trùng, cánh mềm; trên cao là các loài chim; thực vật thì có các loài cây cỏ, hoa lá từ nhỏ đến lớn, là nguồn thức ăn dồi dào và môi trường tốt cho động vật tồn tại… Sự kết hợp của hệ thống cây xanh trong thành với hào nước đã tạo ra một lượng oxy điều hòa quý báu, mà chưa có một một bộ máy móc, dụng cụ nào đo đếm hết được.
 
Ngoài ra, lúc hạ thành, thực dân Pháp đã khoan thăm dò và tìm ra một mạch nước đá ong rất trong và có trữ lượng lớn trong Thành cổ. Người Pháp đã cho xây dựng trạm bơm nước tại đây để cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư xung quanh. Đến nay, trạm bơm nước này vẫn còn tồn tại và được đưa vào sử dụng (mặc dù đã được sửa chữa, thay thế các thiết bị máy móc mới). Nguồn nước đạt độ tinh khiết cao. Trạm bơm nước này chính thức đi vào hoạt động quy mô từ năm 1922.
 
Giá trị về kiến trúc thông qua một số tư liệu, thông tin còn lưu giữ
 
Mặc dù hầu hết các hạng mục công trình đã từng được triều đình cho xây dựng và sử dụng vào các mục đích khác nhau trong Thành cổ. Chúng đã tồn tại một thời gian dài trước khi bị phá hủy bởi các cuộc chiến tranh như: Vọng Cung, Đoan Môn, Kỳ đài, kho hậu cần, trại giam, nhà đốc học, đề ngữ, quân y, các bức tường thành, chòi canh gác… Mỗi công trình đó đều là nơi làm việc sinh sống của các quan lại được phân công các nhiệm vụ cụ thể. 
 
Hiện tại, chỉ còn 2 cổng ở phía Tây và phía Nam (người ta quen gọi là cổng cửa hướng ra phố Nguyễn Thái Học, còn bia đá trên trán cổng khắc chữ Hán Nôm là Nam môn và cổng hướng ra trường cấp 3 cũ - phố Trần Hưng Đạo, trên trán cổng vẫn còn bia đá khắc chữ Hán Nôm là Tây môn) là còn tồn tại, hiện nay, đã được Nhà nước đầu tư kinh phí để làm các giá đỡ kiên cố. 
 
Đoan môn Thành cổ Sơn Tây còn nguyên nét cổ kính
 
Các công trình trong Thành cổ hiện tại đã được phục dựng, tôn tạo lại theo từng giai đoạn khác nhau như: khuôn viên nhà Vọng Cung, tòa Vọng Cung chồng diềm 8 mái, Đoan môn, Kỳ đài, bức tường thành dài hơn 100m, cao hơn 3m, bức tường bằng đá ong được xếp quanh thành, bức tường đá bao quanh hào bên ngoài, cổng phía bắc, dự án chống đỡ 2 cổng cũ (Tây môn, Nam môn). Các công trình ở trong Thành như: Kỳ đài, Vọng Cung, Đoan môn đều được phục dựng lại theo kiến trúc cũ. 
 
Qua nghiên cứu các tư liệu cổ còn lưu giữ ở các nơi thì các công trình đã tồn tại trong Thành cổ Sơn Tây hội tụ những yếu tố kiến trúc quý giá (Tòa Vọng Cung đã được toàn quyền Đông Dương xếp hạng là di tích vào năm 1924).
 
Một góc khuôn viên nhà Vọng Cung của Thành cổ Sơn Tây
 
Xưa kia, các công trình đó đa phần được sử dụng những loại vật liệu truyền thống, đặc trưng của vùng và của khu vực Bắc Bộ như: đá ong, các loại gỗ quý, xây dựng thi công đa phần bằng thủ công, kết cấu liên hoàn, thuận tiện trong việc sử dụng, phục vụ tốt cho các điều kiện làm việc, điều hành, thực hiện các công việc của triều đình giao cho các vị quan lại cấp tỉnh tại thành Sơn Tây này, cũng như cất giữ tài liệu, vật chất. Lúc xây đắp thành, triều đình đã cho áp dụng lối xây thành theo mẫu thiết kế thành ở Châu Âu gọi là kiến trúc vauban, đa số là dùng sức người, ngựa, trâu bò tham gia vận chuyển vật liệu là chính.
 
Một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan 
 
Thành cổ Sơn Tây là một điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch trọng điểm của ngành du lịch thị xã, nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa. Du khách đến thăm Thành cổ thường sử dụng hai hướng bộ hành. Hướng thứ nhất đi từ cổng phía Bắc sang cổng phía Nam, hướng thứ hai đi từ cổng phía Nam (còn gọi là cửa Tiền) sang phía Bắc. Từ Bắc đến Nam, du khách sẽ được tham quan các địa điểm như: khu trưng bày một số tài liệu, hiện vật, cổng phía Bắc thành đã được tu bổ, khu trưng bày 3 chiếc máy bay quân sự được khánh thành vào năm 2014, tòa nhà Vọng Cung (đi từ phía sau vòng ra phía trước), Đoan môn, Kỳ đài, giếng ngọc, cổng phía Nam (cửa Tiền). 
 
Vọng Lâu Thành cổ, nơi thu hút nhiều bạn trẻ đến "check-in"
 
Hướng thứ hai đi từ cửa Tiền (cửa phía Nam) đến cửa Hậu (cửa phía Bắc), du khách được tham quan cửa Tiền cổ kính được bao bọc bởi cụm cây đề xanh tốt bốn mùa, 2 giếng ngọc, sân cột cờ, khuôn viên, đoan môn, Vọng Cung rồi di chuyển dần ra cửa Bắc tham quan khu nhà trưng bày một số tài liệu, hiện vật liên quan đến Thành cổ, khu trưng bày máy bay quân sự.
 
Quãng đường di chuyển bằng hai hướng, du khách được hòa mình vào một không gian tươi mát, không khí vô cùng dễ chịu của hàng ngàn loài sinh vật, cỏ cây, hoa lá, cây ăn quả, cành lá như đang vẫy chào, mở rộng tấm lòng hiếu khách chào đón mọi người đã dành thời gian vào thăm Thành cổ.
 
Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác
 
Đến với Sơn Tây, đối với mỗi người yêu nghệ thuật, di sản, môi trường cảnh quan đều cảm nhận và tiếp cận được cái đẹp, giá trị quý báu khác nhau tiềm ẩn trong di tích Thành cổ độc đáo này. Tòa thành rộng 20 ha được ví như một đề tài sống động, phong phú, luôn tạo cảm hứng sáng tạo cho mỗi cung bậc tâm hồn của người nghệ sỹ.
 
Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo quanh Thành cổ Sơn Tây về đêm tạo cảm hứng sáng tác thơ, ca, nhạc, họa cho nhiều nghệ sĩ
 
Thực tế cho thấy đã có rất nhiều tác phẩm: thi, ca, nhạc, họa nhiếp ảnh khác nhau của nhiều nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật ở Sơn Tây và muôn nơi. Mỗi khoảnh khắc mà thiên nhiên ban tặng gắn với giá trị hay những hoạt động trải nghiệm cảm nhận vẻ đẹp của di sản ở Thành cổ được họ ghi lại và gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình làm cho mỗi người xem thêm yêu cảnh đẹp, yêu di sản khơi dậy niềm tự hào về quê hương: như các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, các bài thơ, tác phẩm âm nhạc, nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại các khoảnh khắc đáng nhớ ở Thành cổ như: đêm bắn pháo hoa, những sắc hoa lung linh soi bóng xuống hào nước, màn sương sớm long lanh, hòa quyện ánh bình minh dịp cuối thu chớm mùa đông khi trời se lạnh, hình ảnh thân thiện, mến khách của người Sơn Tây…
 
Thành cổ Sơn Tây cũng là một đề tài để các đạo diễn lựa chọn làm cảnh để xây dựng các clip ca nhạc, phim tài liệu, phim truyện truyền hình…
 
Với những giá trị nêu trên, dựa vào các tiêu chí quy định của Luật di sản văn hóa thì di tích Thành cổ có đủ cơ sở để UBND Thị xã Sơn Tây đề xuất với các Bộ, ban ngành liên quan và Chính phủ cho phép lập hồ sơ khoa học để nâng cấp di tích thành Sơn Tây lên di tích cấp Quốc gia đặc biệt trong thời gian tới. 
 
Đây cũng là nền tảng quan trọng để Thị xã Sơn Tây cùng nhân dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích thực hiện có hiệu quả Luật di sản văn hóa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân Sơn Tây, xứng đáng là một trong 5 đô thị vệ tinh.

Thanh Hải


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t