Cơ cấu lại chế biến nông sản: Vấn đề cấp thiết (12:59 30/04/2021)


HNP - Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên, ngành chế biến nông sản của Hà Nội vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Trong khi đó, các cơ sở chế biến đa phần là vừa và nhỏ, sản xuất thiếu ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường… Cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản trong giai đoạn mới đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với ngành Nông nghiệp Hà Nội.

Mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm
 
Qua rà soát, thời điểm hiện tại, toàn thành phố Hà Nội có 13.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, trong đó: 1.032 cơ sở do thành phố quản lý, 12.409 cơ sở do cấp huyện, cấp xã quản lý. Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đến nay, toàn thành phố có 400 cơ sở hoạt động chế biến nông sản, đang cung cấp số lượng lớn nông sản qua chế biến cho người tiêu dùng Thủ đô. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, công nghệ chế biến nông sản không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ có vậy, còn giúp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố không ngừng đầu tư công nghệ chế biến sâu, góp phần thay đổi về quản lý, giám sát an toàn nông sản trong toàn bộ quy trình sản xuất. Công nghiệp chế biến nông sản đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, góp phần ổn định an sinh xã hội.
 
Những kết quả mà công nghiệp chế biến nông sản đem lại là khá rõ ràng, có lẽ không cần phải bàn bạc thêm. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, ngành chế biến nông sản của Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra ở phía trước. Trong số các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản nêu trên, có 235 cơ sở thuộc doanh nghiệp quản lý, còn lại là các cơ sở có quy mô hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể, trong đó, có 98,5% cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp tham gia chế biến gồm 3 sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%). Đối với hợp tác xã và hộ gia đình chủ yếu tập trung vào 2 sản phẩm chính là thịt và rau quả. Nhìn chung, công nghệ, trang thiết bị, trình độ của các cơ sở chế biến còn những hạn chế. Đa phần các cơ sở có quy trình công nghệ sản xuất là bán tự động (76,58%), trong khi công nghệ dây truyền tự động chỉ 14,75%, công nghệ chế biến thủ công là 8,78%.
 
Khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm của các cơ sở cũng hạn chế, chỉ có 16,42% số có khả năng nghiên cứu phát triển sản phẩm. Việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng: ISO 22000, HACCP hiện chỉ được áp dụng đối với các doanh nghiệp, song tỷ lệ áp dụng còn hạn chế, chỉ có 2,15% số cơ sở có chứng nhận ISO: 22000, 0,86% cơ sở có chứng nhận tiêu chuẩn HACCP và các tiêu chuẩn chứng nhận khác, chiếm tỷ lệ 5,15%. Về tỷ lệ cơ sở có đầu tư kho lạnh cho bảo quản sản phẩm chế biến là 27,4%, trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có kho lạnh là 51,9%, hợp tác xã là 60%, thấp nhất là hộ gia đình chỉ 12,1%...
 
Gắn chế biến với phát triển thị trường
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, theo kế hoạch, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến... Đến năm 2030, thành phố sẽ hình thành 15 khu chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, góp nâng cao giá trị nông sản và đặc biệt là tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công nghiệp chế biến nông sản, Sở NN&PTNT đã xem xét, đánh giá kết quả triển khai cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường nông sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường. Trong đó, năm 2021 và giai đoạn 10 năm (2021-2030) tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung xem xét triển khai 6 giải pháp trọng tâm, như: Thực hiện tốt quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến; nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản cho doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản chế biến; phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến… Đáng chú ý, Sở NN&PTNT sẽ chú trọng đến việc đề xuất các giải pháp triển thị trường cho sản phẩm nông sản chế biến.
 
Theo hướng này, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm nông sản chế biến nhằm dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng chuyển từ sử dụng sản phẩm thịt nóng, sang các sản phẩm thịt qua sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng cho tiêu thụ sản phẩm chế biến nông sản của thành phố; đẩy mạnh chuỗi liên kết của thành phố với các tỉnh trong cả nước nhằm thúc đẩy cung cấp nguyên liệu đầu vào chế biến và tiêu thụ sản phẩm chế biến. Sở NN&PTNT cũng sẽ tăng cường bố trí kinh phí cho phát triển thị trường và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại (chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản, siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ…); phát triển sàn giao dịch điện tử cho nông sản, ứng dụng công nghệ điện tử trong quảng bá, thương mại sản phẩm nông sản chế biến. Hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản…
 
Hy vọng, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sẽ tạo ra những đột phá mới trong công nghiệp chế biến nông sản, góp phần cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp của Hà Nội theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t