Ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (08:21 26/03/2019)


HNP - Cùng với tuyên truyền, năm 2019, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã nỗ lực ngăn chặn, kiên quyết xử lý các hoạt động biến tướng, lừa đảo buôn bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động này vẫn còn một số khó khăn, thách thức, do đó cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. 

Kiên quyết trong xử lý

Theo thống kê, tính đến 31/12/2018, trên địa bàn thành phố có 26 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Có 3 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và 1 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp. Mặt hàng kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn thành phố gồm: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng,... Thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, trên 80% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đa cấp. Số người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố là 158.691 người.

Năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận 273 hồ sơ thủ tục hành chính về bán hàng đa cấp: 10 hồ sơ thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp; 3 hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Hà Nội; 1 hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; 259 hồ sơ thông báo tổ chức hơn 700 hội nghị, hội thảo của 11 doanh nghiệp.

Trước những diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, cập nhật thường xuyên văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố về hoạt động bán hàng đa cấp trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố và trang web của một số sở, ngành. Biên soạn cuốn tài liệu “Tìm hiểu một số quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp bất chính và cuốn tài liệu “Tìm hiểu một số quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”.

Đáng chú ý, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, sinh viên về dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc trường hợp bị cấm của một số tổ chức để người dân biết, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia. Kết quả xử lý vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp cũng được đăng tải công khai lên Cổng giao tiếp điện tử thành phố.

Ngoài ra, các cơ quan báo, đài thành phố đã tăng cường thời lượng tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp. Tương tự, tại các quận, huyện, thị xã đã tuyên truyền sâu rộng đến người dân địa phương về dấu hiệu vi phạm, hành vi lừa đảo của tổ chức, cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, do nhận thức của một bộ phận người dân đối với các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp còn hạn chế, nên đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo. Mặt khác, vẫn xảy ra hiện tượng người dân, trong đó có sinh viên các trường đại học, người nghỉ hưu... bị các tổ chức, cá nhân lừa đảo, dụ dỗ nộp tiền, tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc trường hợp bị cấm với hứa hẹn sẽ nhận được hoa hồng, lợi nhuận cao phi lý thông qua việc tư vấn đầu tư tiền vào các dự án, khóa học, ví điện tử...

Do đặc thù của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong khi hình thức hoạt động chủ yếu là truyền miệng, nên rất khó kiểm soát. Những công ty, tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp thường chỉ hoạt động thời gian ngắn rồi dừng và chuyển sang hoạt động tại địa điểm mới nên gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đồng thời, Sở đã đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về các hành vi biến tướng của bán hàng đa cấp cho người dân, doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp biết để nâng cao nhận thức. Cùng với đó, đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm và tăng cường công khai các hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, việc lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính nhằm mục đích lừa đảo dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn, gửi thông tin kết quả giám sát về Sở Công Thương để phối hợp quản lý, đặc biệt là đối với hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp...


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t