Phát huy giá trị của di tích: Bài 2: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp (09:22 17/09/2017)


HNP - Chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý di tích hiện nay, Ban Văn hóa Xã hội đã tổng hợp nhiều ý kiến đóng góp, đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đưa hoạt động quản lý di tích đi vào nền nếp hơn, góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong đó, Ban Văn hóa Xã hội cho rằng, đầu tiên từ cấp trung ương, cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có văn bản quy định về quản lý nguồn công đức tại các di tích để đảm bảo công tác quản lý thu - chi nguồn công đức được thực hiện minh bạch và hiệu quả. Nghiên cứu kỹ thuật tu bổ di tích đảm bảo sự đồng bộ, nhằm kéo dài tuổi thọ của công trình; về lâu dài, nghiên cứu vật liệu tu bổ di tích thay thế chất liệu gỗ; có kế hoạch đào tạo thợ chuyên ngành nề ngõa, chuyên ngành mộc truyền thống; đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giám sát tu bổ, tôn tạo di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Xây dựng tham mưu điều chỉnh quy trình, thủ tục thẩm định hoạt động tu bổ di tích tránh sự chồng chéo, bất cập, làm tăng chi phí đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện các dự án do tăng mức độ phức tạp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng).

Đối với cấp Thành phố, phải chỉ đạo rà soát, lập danh sách các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên. Bố trí kinh phí Chương trình mục tiêu tu bổ tôn tạo di tích giai đoạn (2017 - 2020) và những năm tiếp theo, ưu tiên di tích xuống cấp nặng, di tích có tiềm năng phát triển du lịch. Khen thưởng động viên các cơ quan, tập thể, cá nhân có thành tích tham gia công tác quản lý và các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích nhằm động viên phong trào.

Song song với đó, Sở Văn hóa và Thể thao cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục dựng di tích và nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở huyện, xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; hướng dẫn để những người hảo tâm cung tiến những đồ thờ phù hợp, không tiếp nhận các đồ thờ trái quy định. Tăng cường giám sát chuyên môn để nâng cao chất lượng các dự án tu bổ di tích.

Sở Văn hóa và Thể thao cần tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích và các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản khi triển khai các dự án tu bổ di tích. Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng các quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích. Nghiên cứu nội dung hình thức để giới thiệu giá tri lịch sử, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công…

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, cần đẩy manh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng phong phú để nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị, gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch.

UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu bố trí kinh phí theo phân cấp và chủ động xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với các di tích xếp hạng bị xuống cấp, làm cơ sở phân kỳ đầu tư và huy động đóng góp tự nguyện trong nhân dân; phối hợp với Ban quản lý di tích Thành phố trong việc phân loại, lập hồ sơ xếp hạng, nâng cấp xếp hạng, hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng và công nhận di tích; tạo nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Đồng thời kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý di tích; tăng cường công tác quản lý các lễ hội, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm di tích lịch sử văn hóa, xử lý dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục.

Theo Trưởng ban Văn hóa Xã hội Trần Thế Cương, nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp trên thì chắc chắn sẽ đảm bảo hiệu quả của việc quản lý, phát huy giá trị di tích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời, quảng bá hình ảnh của Thủ đô với quốc tế.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t